Mùa hanh khô cộng với nhiều diện tích cây rừng gãy đổ, khô héo sau bão số 3 đang tạo áp lực lớn cho phòng chống cháy rừng tại Hải Dương. Các lực lượng đang “lên giây cót”, sẵn sàng ứng phó, phòng chống cháy rừng.
Áp lực lớn
Tối 5/10, tại khu rừng gần đền Cao An Phụ thuộc phường An Sinh (Kinh Môn) đã xảy ra cháy lớn. Khi phát hiện đám cháy, UBND thị xã Kinh Môn đã huy động khoảng 700 người từ các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ… cấp tốc tham gia chữa cháy. Ngay trong đêm, đám cháy được khống chế và đến sáng 6/10 được dập tắt hoàn toàn. Khoảng hơn 5 ha rừng đặc dụng, phòng hộ do Ban Quản rừng quản lý bị thiệt hại do cháy.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, đám cháy bùng phát trở lại. Thị xã Kinh Môn đã kịp thời huy động khoảng 200 người tham gia chữa cháy nên chỉ sau hơn nửa tiếng đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Dù nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được xác minh, làm rõ nhưng thực tế này đã đặt ra áp lực lớn cho công tác phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô năm nay.
Hải Dương hiện có hơn 11.000 ha rừng ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Trong số này có nhiều diện tích rừng tự nhiên thuộc loại nghèo kiệt, đang phục hồi sau khai thác, chủ yếu là cây gỗ xen tre, nứa. Vào mùa khô, khi tre, nứa chết làm cành khô, lá rụng tạo ra nguồn vật liệu dễ cháy. Mùa nắng hanh cũng trùng với thời gian thu hoạch nhựa thông, khi khai thác sẽ rơi vãi lượng nhựa nhất định. Đây là chất xúc tác bén lửa rất nhạy và nhanh, nếu sử dụng lửa bất cẩn thì nguy cơ cháy là rất cao. Đáng lo hơn, vừa qua toàn tỉnh Hải Dương có hơn 2.600 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3 khiến cây rừng gãy đổ, cành lá vương vãi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy.
Từ đầu tháng 10, trước tình hình thời tiết hanh khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp IV (mức nguy hiểm). Sau khi xảy ra vụ cháy rừng ở thị xã Kinh Môn, công tác phòng chống cháy rừng càng được thắt chặt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh điều kiện khách quan do thời tiết, đặc điểm tự nhiên vùng rừng thì còn một số yếu tố chủ quan khiến công tác phòng chống cháy rừng gặp khó khăn. Đó là thiếu thốn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Việc huy động đột xuất nhân lực tại chỗ thực hiện phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu thực tế. Một số hộ nhận khoán rừng ở xa hoặc không phải người địa phương nên khi phát sinh sự cố khó phối hợp xử lý…
Ứng trực 24/24 giờ
Dù phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn song các lực lượng thường trực về phòng chống cháy rừng trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để gìn giữ những cánh rừng.
Anh Lê Khả Quyết, kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm Chí Linh được giao phụ trách quản lý rừng ở địa bàn các phường Văn Đức, An Lạc, Tân Dân. Địa bàn rộng nên việc thực hiện nhiệm vụ rất vất vả. Để khắc phục, anh Quyết chủ động phối hợp các hộ nhận khoán rừng và chuyên viên phụ trách địa bàn của Ban Quản lý rừng. Trong những ngày này, việc kiểm tra, rà soát được thực hiện hằng ngày, hằng giờ. “Thậm chí có những điểm đã tuần tra nhưng nếu không an tâm, chúng tôi vẫn quay lại để xem xét. Vừa đi kiểm tra, vừa tuyên truyền người đi rừng phải nêu cao cảnh giác, không sử dụng lửa trong rừng”, anh Quyết cho biết.
Thị xã Kinh Môn có khoảng 1.250 ha rừng nhưng lại phân tán ở 16 phường, xã. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm thị xã chỉ biên chế 6 cán bộ, chuyên viên. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng song các thành viên trong hạt luôn bám địa bàn, cơ sở để phát hiện sớm, xử lý nhanh các sự cố. Ông Mao Việt Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn cho biết, sau vụ cháy rừng vừa xảy ra, các thành viên trong đơn vị nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là vì chỉ cần sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra hậu quả lớn. Hạt thực hiện trực 100% quân số 24/24 giờ, nghiêm túc tuần tra, nhất là ở các khu vực dễ phát sinh cháy trong thời gian cao điểm từ 15-19 giờ hằng ngày.
Hiện Ban Quản lý rừng được giao quản lý khoảng 8.000 ha rừng với hơn 3.000 hộ nhận khoán. Ban chủ động xây dựng phương án phòng chống cháy rừng phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, khu vực. Ông Ngô Quang Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng thông tin bước vào mùa cao điểm phòng chống cháy rừng, 5 trạm quản lý trực thuộc ban đều tăng cường ứng trực. Khi cảnh báo cháy rừng từ cấp IV trở lên thì huy động trực 100% quân số. Ban luôn sát sao, vận động, tuyên truyền các hộ nhận khoán rừng trách nhiệm, tận tâm, tận lực bảo vệ diện tích rừng được giao.
Không chỉ các lực lượng thường trực, mà các địa phương có rừng, nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được đặt lên hàng đầu trong mùa hanh khô này. Theo lãnh đạo UBND phường Cộng Hoà (Chí Linh), địa phương có diện tích rừng lớn, nhất là rừng đặc dụng gắn liền với di tích, từ đầu tháng 10, phường đã kích hoạt lực lượng tham gia phòng chống cháy rừng. Trong đó xác định tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hộ nhận khoán là giải pháp hữu hiệu, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng trong mùa khô.
Mùa khô năm nay, Hải Dương tiếp tục xác định 10 trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Đó là 6 trọng điểm ở TP Chí Linh: Khu vực rừng thông thuần loại thuộc khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, khu vực đền thờ thầy giáo Chu Văn An; khu vực rừng trồng thông, keo tại núi Dây Diều ở thôn Cổ Mệnh, xã Bắc An; vùng trồng thông, keo gần 400 ha ở núi Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến; khu vực rừng tự nhiên nằm giáp ranh 2 xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám; khu rừng giáp ranh giữa đập thải xỉ Bình Giang, phường Phả Lại và rừng đặc dụng thôn Vườn Đào, xã Hưng Đạo; khu vực giáp ranh giữa 2 phường Văn Đức và Thái Học.
4 khu vực có nguy cơ cao ở Kinh Môn là: Khu vực rừng rộng hơn 560 ha thuộc di tích đền Cao An Phụ ở các xã, phường An Phụ, An Sinh, Phạm Thái, Thượng Quận, Hiệp Hoà; khu rừng phòng hộ trồng thông, keo giáp ranh 2 xã Lê Ninh và Quang Thành; rừng thông thuần loại thuộc phường Hiệp Sơn; rừng thông, keo ở phường Tân Dân.