Hải Dương có khoảng 60 bến phà, đò ngang. Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo đi lại bằng các phương tiện giao thông đường thủy lại hiện hữu.
Phớt lờ quy định
Hằng ngày, chị N.T.T. ở xã Tân Tiến (Gia Lộc) thường đi xe máy từ nhà sang chợ Nứa (Thanh Hà) bán bún. Bến phà Lạng nối hai xã An Phượng (Thanh Hà) và Bình Lãng (Tứ Kỳ) đã rất quen thuộc với chị T. Cũng nhờ đi qua phà này, chị T. được rút ngắn hàng chục cây số. Từng thao tác từ đi xe xuống phà, quay đầu xe được chị T. thực hiện thành thục chứng tỏ chị đã đi lại nhiều. Chị T. còn chuẩn bị sẵn tiền lẻ để gửi tiền vé. “So với mấy con đò chở khách quanh đây, phà Lạng là một trong những phà to nhất rồi, ô tô tải nhỏ cũng đi qua được”, chị T. nói. Khi được hỏi về việc mặc áo phao, chị T. bảo: “Áo phao xếp ở trên phà, ai thích mặc thì mặc. Nhưng mặc làm gì, đi phà có vài phút là sang đến nơi, mặc vào rồi lại cởi ra, mất thời gian”.
Mặc áo phao khi đi qua đò là quy định bắt buộc nhưng không phải ai cũng thực hiện. Tình trạng hành khách phớt lờ không mặc áo phao khi qua phà vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Chỉ khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì việc thực hiện mới nghiêm chỉnh. Theo những người có nhiều kinh nghiệm với sông nước, nếu gặp tai nạn đường thủy mà không được trang bị áo phao, tình trạng đuối nước rất dễ xảy ra. Đặc biệt, trong thời điểm mưa bão, tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào.
Mặc dù không được phép chở ô tô nhưng sáng 23/5, phà một lưỡi tại bến đò Sỹ (Thanh Hà) vẫn ngang nhiên chở ô tô tải. Việc “cõng” ô tô qua sông khi chưa được cấp phép vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi qua sông. Nếu chỉ vì chút lợi nhuận mà bất chấp như vậy thì thật nguy hiểm.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Sông Kinh Môn là dòng sông lớn, lòng sông sâu. Con phà một lưỡi ở bến đò Bãi Mạc ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) hằng ngày vượt sông để đưa đón khách từ 2 phía xã Thượng Quận, lượng khách lên đến hàng trăm người. Anh Bùi Văn Sơn, người lái phà cho biết vào mùa mưa bão có nhiều cơn mưa lớn, gió to, sóng lớn khiến cho việc đi lại của các phương tiện thủy gặp khó khăn. Mưa lớn có thể gây sạt lở bờ sông, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì thế trước mùa mưa bão, anh Sơn thường chuẩn bị phao bơi, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm… “Chúng tôi đã ký cam kết với lực lượng cảnh sát giao thông về chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa”, anh Sơn nói.
Để chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa bão năm 2024, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp. Cùng với tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa, biện pháp ứng phó với bão lũ; tổ chức ký cam kết với chủ các phương tiện, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Từ đầu đầu năm đến giữa tháng 5, lực lượng chức năng đã xử phạt 196 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 59 bến thủy nội địa và 65 phương tiện đang hoạt động, nhiều bến đóng vai trò quan trọng trong giao thương. Năm 2023 và 4 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, không gây thiệt hại về người.
Tính chất của những vụ tai nạn đường thuỷ rất thảm khốc, khó lường, bởi vậy bước vào cao điểm mưa bão năm 2024, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm; các chủ bến. phương tiện, hành khách đi đò, phà cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định giao thông để có những chuyến đò an toàn.
Theo điều 17, Nghị định 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện không đúng công dụng theo đăng kiểm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng cộng suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến dưới 250 tấn hoặc có sức chở trên 12 người đến dưới 50 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa đến 135 sức ngựa hoặc có sức chở trên 12 người đến 50 người.
Điều 16, vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Khoản 3 điều 3, Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên các phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà,...)