Từ ngày 17.2, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hải Dương (trừ bậc mầm non) sẽ bắt đầu dạy học trực tuyến.
Từ ngày 16.2, Tổ Nghiệp vụ công nghệ thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo Tứ Kỳ cử từng nhóm thay phiên nhau thường trực hằng ngày để hỗ trợ các trường dạy học trực tuyến
Sẵn sàng
Sáng 15.2, các thành viên Tổ nghiệp vụ công nghệ thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tứ Kỳ nhóm họp, rà soát lại các công việc hỗ trợ dạy và học trực tuyến trên địa bàn. Trong khi đó, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai việc dạy học trực tuyến. “Sau buổi dạy ngày 17.2, tôi yêu cầu hiệu trưởng các trường chỉ đạo các giáo viên thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, những khó khăn, vướng mắc liên quan và báo cáo về phòng trước 16 giờ để tìm biện pháp tháo gỡ”, anh Tuấn nói trong cuộc họp.
Đợt dạy học trực tuyến này, phòng đổi tên miền nên gần như các thành viên Tổ nghiệp vụ công nghệ thông tin phải làm xuyên Tết để lập lại tài khoản dạy và học trực tuyến cho khoảng 30.000 giáo viên, học sinh. Đến nay, việc lập tài khoản đã cơ bản hoàn tất. Các trường đã sẵn sàng dạy học trực tuyến.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, ngay từ trong Tết Tân Sửu 2021, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã bắt đầu kích hoạt lại việc học trực tuyến, yêu cầu giáo viên chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, giáo án; liên hệ với cha mẹ học sinh chuẩn bị máy móc, thiết bị cho con. Do đã có kinh nghiệm từ năm học trước nên nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định việc dạy và học trực tuyến sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị dạy trực tuyến đã được các cơ sở giáo dục trong tỉnh cơ bản sẵn sàng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi cơ sở giáo dục đều chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy cụ thể theo từng tuần. Đa phần các trường đã chỉ đạo giáo viên trong 3 ngày đầu (17-19.2) hệ thống lại kiến thức, giao bài tập cho học sinh, đồng thời rà soát, thống kê những em chưa có thiết bị học. Từ ngày 22.2, bắt đầu dạy kiến thức mới. Với những em không có thiết bị học, nhà trường hoặc giáo viên sẽ in tài liệu gửi trực tiếp cho học sinh hoặc chuyển qua Email, Zalo của phụ huynh. Tăng cường trao đổi, giữ mối liên hệ với cha mẹ học sinh trong quản lý học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Từ trước Tết chúng tôi đã liên hệ với phụ huynh để cùng chuẩn cho học sinh học trực tuyến. Toàn trường chỉ có 7 trong tổng số 1.848 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Chúng tôi sẽ in và gửi tài liệu học tập cho các em”.
Em Nguyễn Lê Quỳnh Nga, học sinh Trường THCS Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) cùng mẹ truy cập thử phần mềm học trực tuyến để sẵn sàng học từ ngày 17.2
Học sinh đang cách ly sẽ học sau
TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và 2 huyện Cẩm Giàng, Nam Sách có hàng trăm giáo viên, học sinh vẫn đang phải cách ly y tế tập trung. Những học sinh đang cách ly sẽ học trực tuyến sau khi bảo đảm thời gian theo quy định.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Chí Linh cho biết chiều 16.2 có khả năng 45 giáo viên và 115 học sinh Trường THCS Sao Đỏ thuộc diện F1 sẽ được về nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc, qua đó có thể học trực tuyến từ ngày 17.2. Tuy nhiên, Trường THCS Cộng Hòa vẫn có khoảng 90 học sinh lớp 6 phải tiếp tục cách ly. Không ít học sinh chưa thể học trực tuyến ngay vì bố mẹ đang đi cách ly tập trung, chưa có thiết bị để học. “Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các trường tiểu học, THCS dạy trực tuyến bình thường. Những học sinh nào đang cách ly thì sẽ tổ chức dạy sau, có thể gom cùng những em đợt này chưa có thiết bị học trực tuyến”, lãnh đạo Phòng GD-ĐTChí Linh nói.
Đến ngày 16.2, huyện Cẩm Giàng có 7 học sinh thuộc diện F0, 382 học sinh thuộc diện F1 đang cách ly tập trung. Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phạm Thị Oanh cho biết đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy bù cho những học sinh này sau khi các em hết thời gian cách ly. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phòng lưu ý giáo viên có thể dạy trực tuyến ở nhà, không cần đến trường. Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thường xuyên thăm lớp, dự giờ trực tuyến để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh.
Từ ngày 17.2- 3.3, Phòng GD-ĐT Cẩm Giàng chỉ đạo giáo viên lớp 9 dạy 8 môn văn hóa; lớp 6,7,8 chỉ dạy 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh; lớp 5,4,3 chỉ dạy toán, tiếng Việt, ngoại ngữ; lớp 1, lớp 2 dạy toán, tiếng Việt. Sau giai đoạn này, phòng tiếp tục căn cứ tình hình dịch bệnh để có hướng chỉ đạo tiếp theo. Mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng Phòng GD-ĐT huyện quán triệt tới tất cả cán bộ, giáo viên không được chủ quan mà cần chuẩn bị kỹ lưỡng về giáo án, bảo đảm truyền thụ đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh.
Với học sinh lớp 1, ngành GD-ĐT lưu ý cha mẹ học sinh cần chủ động hỗ trợ con trong suốt quá trình học trực tuyến vì các em chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.
TIẾN MẠNH