Nhà đất

Hải Dương không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

TRƯƠNG HÀ 11/07/2024 11:00

Hải Dương đã và đang có nhiều giải pháp để giải quyết, sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.

z5616999649045_71c134233ce11fe32cdf89ab451a399c(1).jpg
Một phần trụ sở xã Phương Hưng (cũ) được điều chuyển thành trụ sở làm việc của Công an thị trấn Gia Lộc đã phát huy hiệu quả trụ sở dôi dư sau sáp nhập. Ảnh : QUANG TIỆP

Chuyển đổi mục đích sử dụng

Giai đoạn 2019 – 2021, Hải Dương có 55 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Sau khi thành lập 25 đơn vị hành chính mới, tỉnh Hải Dương dôi dư 30 trụ sở làm việc.

Xã Hồng Dụ (Ninh Giang) hiện nay được sáp nhập từ xã Hồng Thái và Hồng Dụ. Trụ sở xã Hồng Dụ được đặt tại xã Hồng Thái (cũ). Trụ sở xã Hồng Dụ cũ và Trường THCS Hồng Dụ sát nhau nên cuối năm 2022, huyện Ninh Giang đã chuyển cho Trường THCS Hồng Dụ để địa phương đầu tư, cải tạo, mở rộng trường lớp. Ông Nguyễn Văn Khoa, công chức địa chính xã Hồng Dụ cho biết thực hiện Quyết định số 3604/QĐ-UBND tỉnh ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý (sau đây gọi tắt là phương án tổng thể), trụ sở xã Hồng Dụ đã được điều chuyển để tiếp tục sử dụng mục đích công. Địa phương rất phấn khởi vì trước đó Trường THCS Hồng Dụ còn chật chội, trong khi đó trụ sở dôi dư cũng được giải quyết, không gây lãng phí.

Xã An Phượng (Thanh Hà) được sáp nhập từ xã Phượng Hoàng và xã An Lương. Sau sáp nhập, xã An Phượng sử dụng trụ sở làm việc của xã Phượng Hoàng cũ. Trụ sở xã An Lương cũ mới xây dựng từ năm 2018 nhưng đã bị bỏ không một thời gian dài. Cũng từ năm 2023, sau khi UBND tỉnh có phương án tổng thể sắp xếp trụ sở nhà, đất, huyện Thanh Hà, xã An Phượng đã đầu tư cải tạo trụ sở UBND xã An Lương cũ làm nơi làm việc của công an xã. Có trụ sở mới được cải tạo, sửa chữa để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ đã giúp lực lượng công an xã thuận lợi hơn trong công tác, sinh hoạt.

Đấu giá tài sản

tru so hong du
Trụ sở xã Hồng Dụ cũ hiện đã được điều chuyển cho Trường THCS Hồng Dụ (Ninh Giang) sử dụng

Xã Yết Kiêu (Gia Lộc) hiện nay được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Gia Hòa, Yết Kiêu và Trùng Khánh. Trụ sở làm việc của xã Yết Kiêu hiện nay là trụ sở xã Yêt Kiêu cũ. Trụ sở xã Gia Hòa cũ chuyển cho Trường Mầm non Gia Hòa. Hội trường xã Gia Hòa cũ cũng đã được chuyển cho Trường THCS Gia Hòa từ năm 2023. Riêng trụ sở xã Trùng Khánh cũ bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ông Phạm Văn Du, Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu cho biết sau sáp nhập, địa phương không có nhu cầu tiếp tục sử dụng trụ sở của xã Trùng Khánh cũ nên trụ sở đã bị bỏ hoang gây lãng phí. Trong khi đó địa phương vẫn phải thuê bảo vệ trông coi, hằng tháng phải thuê người dọn cỏ, vệ sinh. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định cho đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với trụ sở xã Trùng Khánh cũ. “Chúng tôi rất mừng vì bài toán trụ sở dôi dư cuối cùng đã được giải. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện đấu giá còn chậm. Mặc dù xã đã hoàn thiện hồ sơ, trích lục bản đồ; lập phương án dự toán định giá tài sản trên đất trình các cấp nhưng hiện vẫn chưa có kết quả phê duyệt”, ông Du nói. Cũng theo ông Du với hơn 4.000 m2 đất của trụ sở xã Trùng Khánh cũ, dự kiến sau khi hoàn thiện hạ tầng, xã Yết Kiêu sẽ đấu giá khoảng 30 lô đất.

tru so gia khanh
Trụ sở xã Trùng Khánh cũ hiện đang được địa phương hoàn thiện các thủ tục đấu giá chuyển quyền sử dụng đất

Sau khi sáp nhập với thị trấn Gia Lộc, trụ sở xã Phương Hưng cũ cũng bị bỏ hoang. Ngay khi có phương án tổng thể của UBND tỉnh, năm 2023, huyện Gia Lộc đã chuyển một phần diện tích đất trụ sở xã Phương Hưng (hội trường xã) để làm trụ sở làm việc của Công an thị trấn. Huyện Gia Lộc cũng đầu tư gần 3 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa nhằm đáp ứng công năng, yêu cầu nhiệm vụ. Hơn 2.000 m2 đất và diện tích trụ sở cũ (còn lại) được bán tài sản trên đất và đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay, thị trấn Gia Lộc đang chờ các cấp phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn, sau đó sẽ triển khai các bước để đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất.

Theo Sở Tài chính tỉnh, sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021 toàn tỉnh dôi dư 30 trụ sở công. Thực hiện phương án sắp xếp, xử lý theo Quyết định 3604/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh, giữ lại tiếp tục sử dụng 12 trụ sở và 1 trụ sở giữ lại 1 phần để bố trí nơi làm việc của công an, quân sự xã, đoàn thể, khu liên hợp thể thao; 11 cơ sở được điều chuyển cho trường học, xây dựng nhà văn hóa, khu di tích lịch sử văn hóa; 4 trụ sở bán đấu giá, trong đó 1 trụ sở bán đấu giá 1 phần; 2 trụ sở tạm giữ lại.

Ông Nguyễn Đồng Kim, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết đến nay các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập tiếp tục sử dụng, điều chuyển mục đích sử dụng đều đã được các địa phương cơ bản hoàn thành phương án; lập dự toán, đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đối với các trụ sở dôi dư thực hiện đấu giá tài sản trên đất và chuyển quyền sử đụng đất, Sở Tài chính đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chung, trích lục bản đồ, phương án giá khởi điểm... để sở này thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt...

Giai đoạn 2023-2025, Hải Dương có 56 đơn vị hành chính cấp xã diện sắp xếp, sáp nhập. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh sẽ dôi dư 28 trụ sở. Cũng theo Sở Tài chính, dự kiến sẽ có 10 trụ sở giữ lại tiếp tục sử dụng; 11 trụ sở điều chuyển toàn phần; 5 trụ sở điều chuyển 1 phần; 1 trụ sở chuyển giao toàn phần và 1 trụ sở chuyển giao 1 phần.

Các trụ sở chủ yếu được điều chuyển là nơi làm việc của công an, ban chỉ huy quân sự, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi làm việc của các đoàn thể.

TRƯƠNG HÀ
(0) Bình luận
Hải Dương không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã