Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, nông nghiệp thông minh.
Tất cả các chuỗi cung ứng du lịch từ đại lý du lịch, vận chuyển hành khách, cơ sở lưu trú... đều có thể dùng công nghệ số, thay đổi phương thức sản xuất
Hải Dương cần sử dụng công nghệ số để gia tăng giá trị trong từng công đoạn của chuỗi cung ứng trong tất cả các lĩnh vực. Các lĩnh vực Hải Dương có thể phát triển như công nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ số, kinh tế chia sẻ, kinh doanh điện tử, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, dịch vụ số, trải nghiệm số... Tất cả những lĩnh vực này, Hải Dương đều có tiềm năng để phát triển kinh tế số.
Ví dụ như kinh tế số du lịch, chúng ta sử dụng công nghệ để gia tăng giá trị từng công đoạn chuỗi cung ứng du lịch. Tất cả các chuỗi cung ứng du lịch từ đại lý du lịch, vận chuyển hành khách, cơ sở lưu trú... đều có thể dùng công nghệ số, đều có thể thay đổi phương thức sản xuất. Bây giờ có những công ty công nghệ họ không sở hữu một khách sạn nào nhưng chuyên đi cho thuê khách sạn, tức là ông có khách sạn lại trở thành ông góp vốn làm chung với ông công nghệ. Tương tự như Grab chỉ sở hữu một phần mềm, không sở hữu một xe taxi nào, không thuê lái xe nào, đến giờ doanh thu của Grab cao hơn hẳn so với nhiều hãng taxi truyền thống, kể cả những hãng lớn. Đó chính là kinh tế số sử dụng công nghệ để thay đổi từng công đoạn một trong chuỗi cung ứng này.
Hải Dương có rất nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là các di tích, danh thắng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền... lại có địa thế rất gần Hà Nội, khách nước ngoài đến Hà Nội hay đến Quảng Ninh ghé qua rất dễ. Tuy nhiên, việc quảng bá du lịch của Hải Dương, đưa nền tảng số vào để nâng cao trải nghiệm khách hàng đang còn yếu nên cần đẩy mạnh. Đẩy mạnh bằng cách chuyển đổi số ngành du lịch, số hóa sử dụng các bản đồ số 3D, 4D để người dùng ở nhà cũng có thể xem các phong cảnh, người ta thấy đẹp mới đến. Chiến lược di động sử dụng các app để người ta tìm đường, tìm địa điểm rất dễ để các địa danh, danh thắng của tỉnh đều có chỉ dẫn địa lý.
Chúng ta cũng cần có hệ sinh thái số và phát triển kinh tế chia sẻ. Ví dụ người dân cũng có thể tham gia để cung cấp các dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Bây giờ phong trào đi du lịch phượt rất nhiều, cả nước ngoài và trong nước, mỗi gia đình là một doanh nghiệp lưu trú, mỗi hộ dân đều có thể làm một hướng dẫn viên du lịch.
Hoặc trong nông nghiệp, Hải Dương có nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống tốt. Cần đưa những sản phẩm này lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận thị trường quốc gia, toàn cầu. Mỗi hộ đều có thể trở thành một doanh nghiệp số, áp dụng các nền tảng số trong triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Chuỗi sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, phân phối, đưa ra thị trường đều có thể sử dụng nền tảng số.
Trong nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc là một động tác rất dễ làm bằng công nghệ. Một cân thịt truy xuất được giá có thể tăng gấp rưỡi. Tăng niềm tin của người dùng chúng ta có thể tăng giá trị lên. Rất nhiều công nghệ hiện nay chúng ta đã có như kiểm soát khí hậu, đất đai, nền tảng tưới tiêu tự động, giám sát từ xa, số hóa dữ liệu công nghiệp đều có những sản phẩm "made in Việt Nam" với giá phải chăng, nếu áp dụng, năng suất lao động trong nông nghiệp sẽ tăng lên nhiều.
Cần làm gì để phát triển kinh tế số? Liên hợp quốc đã đưa ra một khuyến nghị về các giải pháp: cần tăng cường hạ tầng số như hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh; tăng cường đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, sở hữu cá nhân; thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác giữa các ngành trong tỉnh, giữa các tỉnh, thành phố, liên kết bộ, ngành với các địa phương; thay đổi cách thức cạnh tranh... Điều quan trọng là tất cả các đơn vị, các bên đều phải vào cuộc thống nhất mục tiêu, thúc đẩy đồng đều cả 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
NGUYỄN TRỌNG ĐƯỜNG
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông