Đến tháng 4, Hải Dương có 40 vùng trồng 4 loại trái cây tươi: vải, nhãn, chuối, dưa hấu và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số và được Trung Quốc chấp thuận.
Hải Dương đã và đang tích cực chuẩn bị để việc xuất khẩu quả vải được thuận lợi. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Trước yêu cầu của phía Trung Quốc, một số loại trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả vải, muốn xuất khẩu sang thị trường này thì phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị để việc xuất khẩu quả vải được thuận lợi.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cho biết năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương triển khai cho các huyện, thành phố đăng ký các vùng trồng và cơ sở đóng gói để gửi về Cục Bảo vệ thực vật tiến hành cấp mã số.
Đến tháng 4, Hải Dương có 40 vùng trồng 4 loại trái cây tươi: vải, nhãn, chuối, dưa hấu và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số và được Trung Quốc chấp thuận.
Ông Phạm Ngọc Thức, Phó Giám đốc Công ty CP Kim Chính, một trong 2 cơ sở đã được cấp mã số cho biết đến thời điểm này, doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xuất khẩu vải năm nay. Thùng xốp, tem nhãn đều đã sẵn sàng chờ thu gom vải.
Hiện nay, doanh nghiệp này có nguồn nguyên liệu vải là 16 vùng trồng được cấp mã số. Năm nay, dự kiến doanh nghiệp chỉ thu gom và xuất sang Trung Quốc khoảng 7.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với vụ vải năm trước.
“Yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ rất thuận lợi cho cả người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp muốn đưa quả vải vào Trung Quốc đều phải qua đơn vị đã được Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Do đó, không còn cơ hội cho những thương lái nhỏ lẻ cạnh tranh ép giá.
Qua đây cũng yêu cầu người trồng vải nói riêng và các loại cây khác nâng cao ý thức tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Thức cho biết.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã ban hành hướng dẫn chi tiết gửi hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc đến UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trái cây trong tỉnh.
Theo đó, đề nghị các địa phương có vùng trồng trái cây xuất khẩu tăng cường chỉ đạo người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP và bảo đảm thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, dán tem nhãn… theo hướng dẫn và yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, chủ động liên hệ, đặt hàng, thu mua nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng đã được cấp mã số; chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn dán lên sản phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc; chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc được Hải quan Trung Quốc chấp thuận.
Ngành nông nghiệp Hải Dương cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn có vùng trái cây xuất khẩu Trung Quốc cung cấp thông tin về vùng trồng, về cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đến nông dân và doanh nghiệp thu mua để việc tiêu thụ được thuận lợi; chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo thuận lợi về giao thông, bến bãi cho doanh nghiệp thu mua và vận chuyển trái cây xuất khẩu; tiếp tục đăng ký, đề nghị cấp mã số cho các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói.
“Các doanh nghiệp nếu khó khăn trong quá trình cấp mã số vùng trồng có thể liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn và nếu vướng mắc trong việc đóng gói, tem nhãn sản phẩm, có thể liên hệ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để được hướng dẫn”, bà Lương Thị Kiểm cho biết.
Hiện nay, vẫn còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận.
Thông tin về các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số sẽ được cập nhật trên trang thông tin của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu. Hy vọng việc cấp mã số lần này sẽ triển khai nhanh chóng vì vụ thu hoạch vải đang đến rất gần.
Vụ vải năm 2019, dự kiến Hải Dương sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn. Hiện nay, vải u trứng trắng đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên với giá bán đến tay người tiêu dùng khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg.
MẠNH MINH (TTXVN)