Xã hội

Hải Dương bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

THANH HÀ 15/07/2024 06:00

Là “mầm non tương lai” nhưng trẻ em lại nằm trong nhóm nguy cơ tổn thương và bị tác động xấu nhiều nhất.

00:00

z5617804233147_3b2427f239fa31c324906f7b54793cc5.jpg
Một số nơi cắm biển cảnh báo nguy hiểm để nhắc nhở người dân trong đó có trẻ em, phòng tránh nguy cơ đuối nước

Nguy cơ cao

Nhớ lại câu chuyện cách đây gần 4 tháng, chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã An Thượng (TP Hải Dương) không khỏi bất ngờ khi mâu thuẫn của trẻ nhưng lại bị người lớn chen vào giải quyết theo hướng bạo lực. Khoảng 11 giờ 30 ngày 23/3, cháu N.M.D. đi học về thì bị cháu V.M.P. (đều học Trường THCS An Thượng) gọi ra cánh đồng gần đó nói chuyện. Sau đó 2 cháu xảy ra mâu thuẫn. Cháu V.M.P. gọi người nhà đến và người này đánh vào mặt cháu làm cháu D. sợ hãi. Cháu D. đã được đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Ngay khi nắm bắt sự việc, UBND xã An Thượng đã tới thăm, động viên cháu D. Khi cháu từ bệnh viện về, các đoàn thể thăm hỏi, nắm bắt nhu cầu để hỗ trợ cháu kịp thời. Người đánh cháu D. cũng đã bị Công an TP Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng. “Đây là sự việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn xã”, chị Huệ nói.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cũng từng xảy ra ở Hải Dương. Khoảng 13 giờ ngày 1/8/2023, ông N.V U. (sinh năm 1956) xuống nhà ông N.V.C., cùng xã Quang Trung (Tứ Kỳ) để đón cháu là N.L.P. Khi đó, ở nhà ông C. có cháu P. và cháu N.T.T.H. (sinh năm 2012). Ông U. đã đưa cho cháu P. 500 nghìn đồng đi mua vịt. Khi quay về, cháu P. thấy ông U. đang có hành động xâm hại tình dục cháu H. Sau khi xảy ra sự việc, bên cạnh việc thăm hỏi, động viên cháu H. và gia đình để cháu ổn định tinh thần, tiếp tục sinh hoạt, học tập, UBND xã Quang Trung đã chỉ đạo lực lượng công an xã, lãnh đạo thôn phối hợp với Công an huyện Tứ Kỳ khám nghiệm hiện trường, thu thập lời khai, đồng thời tiến hành vận động ông U. ra đầu thú. Khoảng 8 giờ ngày 3/08/2023, ông U. đã ra công an xã đầu thú. Ông U. đã bị cơ quan chức năng phạt hơn 7 năm tù.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 1.060 vụ tai nạn thương tích làm 54 trẻ em tử vong (25 trẻ đuối nước, 29 trẻ tai nạn giao thông). Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 515 vụ tai nạn thương tích làm 18 trẻ tử vong (14 trẻ đuối nước, 3 trẻ bị bỏng cháy, 1 trẻ tử vong do tai nạn giao thông).

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã thụ lý điều tra 47 vụ với 62 đối tượng liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Đã khởi tố 44 vụ với 52 đối tượng, xử lý hành chính 1 vụ với 8 đối tượng, đang xác minh 2 vụ với 2 đối tượng. Ngoài ra, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật cũng xảy ra với trên 110 vụ.

Những con số nhức nhối trên cho thấy có nhiều nguy cơ rình rập, không an toàn cho cuộc sống của trẻ em.

Đồng bộ các biện pháp

tre em1
Để trẻ em được an toàn, sống trong môi trường bình yên là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội. Ảnh: THẾ ANH

Theo ông Trương Văn Lừng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương, nguyên nhân xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, đuối nước, vi phạm pháp luật... là do nhiều cha mẹ quá bận nên không chú ý đến con cái, để con phát triển tự do, chưa tận tình chỉ bảo, hướng dẫn con về những nguy cơ trong cuộc sống. Môi trường sống, sự phát triển của internet ảnh hưởng nhiều đến trẻ khi các em đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” dễ bị cái xấu tác động, cám dỗ.

Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp nhằm mang lại cuộc sống an toàn cho trẻ. Việc xây dựng “xã, phường an toàn cho trẻ em” được chú trọng. Toàn tỉnh có gần 65% số xã, phường được đánh giá phù hợp với trẻ em. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức cắm biển nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước; mở các lớp dạy bơi nhằm trang bị cho trẻ kiến thức phòng vệ. Các trường học trang bị cho các em kiến thức tham gia giao thông an toàn. Khi xảy ra sự việc, ngoài thăm hỏi, động viên người bị nạn thì các cấp, ngành đều đánh giá nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục.

Để bảo vệ an toàn cho trẻ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình, cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là gia đình, sau đó đến nhà trường. Gia đình, nhà trường cần tạo không gian, môi trường sống, học tập lành mạnh, an toàn với trẻ. Cha mẹ thường xuyên quan tâm đến con cái, hướng dẫn, cảnh báo về các mối nguy hiểm. Bản thân mỗi trẻ cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước, tự bảo vệ mình trước các hành vi xâm hại tình dục...

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại
    ss