Hai câu thơ hay “nhặt” trên đường

09/08/2014 08:54

Sau năm 1954, nhà thơ Tế Hanh tập kết ra Bắc, ông có dịp gặp lại các nhà thơ trong phong trào thơ mới, có điều kiện đọc thêm thơ thế giới. Tế Hanh thấy cần có sự đổi mới trong hồn thơ mình. Hồi mới ra Bắc, Tế Hanh làm ở báo Văn nghệ, tiếp đến báo Văn, báo Văn học. Ông vừa làm báo vừa cặm cụi viết những bài thơ mới trong hoàn cảnh thay đổi của đất nước và của cuộc đời mình. Đặc biệt là đề tài thống nhất Bắc - Nam. Tế Hanh có hai bài thơ đánh dấu sự đổi mới, đó là “Nhớ con sông quê hương” và “Chiêm bao”. Bài thơ Nhớ con sông quê hương ông viết suôn sẻ, không đến nỗi vất vả như bài Chiêm bao. Bài Chiêm bao có 3 khổ, 12 câu. Lúc đầu chỉ là 4 câu đã viết sẵn ghi trong sổ tay, bằng 4 câu thơ tình:

Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên đường một tia nắng
Biết là đêm đã qua.


Theo  nhà thơ Tế Hanh, bài thơ chỉ dừng ở đó. Ít ngày sau, tình cờ một buổi sáng, nhà thơ Tế Hanh gặp một chị bạn cùng quê Quảng Ngãi, sau khi hỏi thăm tin tức về chồng, chị kia nói: “Với bọn em bây giờ là ngày Bắc đêm Nam”. Tế Hanh thấy hình ảnh ngày Bắc đêm Nam có ý nghĩa quá nên chuyển bài thơ của mình từ một giấc chiêm bao bình thường, đến một giấc chiêm bao của người ngày Bắc đêm Nam. Đêm ấy trở về phòng, ông viết tiếp hai đoạn thơ: 

Ban ngày công tác bận
Ban đêm dành nhớ em
Ban ngày ở miền Bắc
Về miền Nam ban đêm.

Dẫu em đâu anh đâu
Hai ta vẫn gần nhau
Lung linh tia nắng mới
Lòng sáng giấc chiêm bao.


Sáng hôm sau ông đem đọc cho anh em trong Ban Biên tập Báo Văn nghệ nghe, mọi người đều khen bài thơ hay, nên đưa đăng số báo tới. Khi báo đã sắp chữ, Tế Hanh vẫn còn băn khoăn vì chưa vừa ý hai câu cuối cùng “Lung linh tia nắng mới/Lòng sáng giấc chiêm bao”. Ông cho rằng ý thơ hơi loãng, nhưng không biết nên sửa thế nào. Suy nghĩ mãi, sắp đến ngày báo ra, Tế Hanh trên đường xuống nhà in, chợt hai câu thơ mới như một thứ ánh sáng lóe ra trong đầu làm ông sung sướng:

“Giấc chiêm bao đêm trước
Soi sáng cả ngày sau”


Trời ơi, hay quá! Nhà thơ reo vui một mình, ông liền đến gặp ngay thợ sắp chữ bảo thay luôn.

Khi báo Văn nghệ ra, bài “Chiêm bao” được anh em trong tòa soạn đánh giá cao, sau này Nhà xuất bản Hội Nhà văn  chọn in trong tập “Gửi miền Bắc” (năm 1958).

Thế mới biết thơ hay không chỉ viết trong thư phòng, thơ hay còn “nhặt” ở trên đường. Một tia chớp sáng trong tư duy của nhà thơ - trường hợp của nhà thơ Tế Hanh là một ví dụ.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai câu thơ hay “nhặt” trên đường