Hải cảnh Trung Quốc được phép dùng vũ khí trấn áp trên biển ra sao?

06/11/2020 17:30

Theo dự thảo sửa đổi Luật cảnh sát biển, Trung Quốc cân nhắc cho phép cảnh sát biển dùng vũ khí cầm tay, thậm chí vũ khí trên tàu hoặc trên không đối với các “vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào tháng trước đã đưa ra một dự thảo sửa đổi luật, qua đó cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài được cho xâm nhập vào vùng biển của nước này.

Tăng quyền sử dụng vũ khí cho cảnh sát biển

Đây là thông tin đăng trên website về hoạt động của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC Observer) ngày 4.11.

Theo đó dự thảo luật này đang trong giai đoạn thăm dò, lấy ý kiến của công chúng cho tới ngày 3.12.2020.

Thông tin trên được báo Nikkei Asian Review đăng lại. Cơ quan truyền thông Nhật Bản này cũng hiểu rằng theo dự thảo sửa đổi luật trên, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đang được cân nhắc cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài "trong vùng biển" Trung Quốc, trong trường hợp tổ chức hay cá nhân xâm phạm.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong chương VI về việc sử dụng trang bị và vũ khí của cảnh sát biển, nếu cảnh báo không hợp lệ, cảnh sát biển Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay ở hai trường hợp sau:

Thứ nhất, có bằng chứng cho thấy tàu (đối tượng) chở nghi phạm, tội phạm, hoặc chở vũ khí trái phép... bỏ trốn, không chấp hành chỉ đạo của cảnh sát biển.

Thứ hai, đối với tàu nước ngoài vào vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc nhằm hoạt động sản xuất trái phép, không chấp hành chỉ đạo dừng tàu của nhân viên cơ quan cảnh sát biển, từ chối cho lên tàu hoặc kiểm tra theo cách khác...

Thêm vào đó, dự thảo luật cũng mở rộng quyền sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên không cho tàu hải cảnh Trung Quốc trong ba trường hợp khác, bao gồm: khi thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố trên biển hoặc khi đối phó với các vụ bạo lực hàng hải nghiêm trọng...

Quan điểm của Việt Nam

Thông tin về dự thảo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3.11 tổ chức hội thảo trực tuyến ASEAN - Trung Quốc về "Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân".

Hội thảo này là sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực hiện quy định liên quan của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Sáng kiến này nhằm củng cố lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc. Dự kiến kết quả và các khuyến nghị được nêu tại hội thảo sẽ được tổng hợp và báo cáo lên kênh quan chức ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện DOC.

Trả lời câu hỏi về dự thảo luật của Trung Quốc tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 5.11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam nói:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Về Hội thảo ASEAN - Trung Quốc nêu trên, ông Dương Hoài Nam cũng nói: "Hội thảo ASEAN - Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác, đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân vừa diễn ra. Đây cũng là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực và ASEAN, về tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam và các nước đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình".

Báo Nikkei của Nhật ngày 5.11 cũng dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato khẳng định Tokyo sẽ "tiếp tục quan sát diễn biến liên quan tới hải cảnh Trung Quốc với sự quan tâm lớn".

Theo Nikkei, Nhật Bản lo rằng khuynh hướng hành động của Trung Quốc trong dự thảo trên sẽ tác động tới tình hình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải cảnh Trung Quốc được phép dùng vũ khí trấn áp trên biển ra sao?