TP Hà Nội định hướng xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Tuyến đường dài hơn 300km, đoạn qua Hải Dương dài hơn 50km.
Báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, TP. Hà Nội cho biết, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, thành phố sẽ thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ; hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.
Cụ thể, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027; đặt mục tiêu xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Trong thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trên cao và đường sắt đô thị.
Hà Nội đặt mục tiêu sớm hoàn thiện các đường vành đai và trục giao thông hướng tâm.
Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt năm 2014, đường Vành đai 5 dài khoảng 331km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 48km, qua Hòa Bình hơn 35km; qua Hà Nam hơn 35km; qua Thái Bình hơn 28km; qua Hải Dương gần 53km; qua Bắc Giang khoảng 50km; qua Thái Nguyên gần 29km, qua Vĩnh Phúc hơn 51km.
Đường có quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên. Nhu cầu vốn đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).
Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Giang mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 50km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Bộ GTVT đánh giá việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường Vành đai 5 nói chung là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.
Theo Vietnamnet