Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 2 năm triển khai đến nay, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định trên 1.000 nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ - vốn rất chậm chạp thời gian vừa qua.
Theo đó, đến nay đã có 8 quận, huyện đã tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Riêng quận Đống Đa đã hoàn thành công tác di dời các hộ dân, tổ chức ra khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D số 51 Huỳnh Thúc Kháng. Đây là khu nhà hư hỏng đã có chủ trương từ lâu, nhưng một số hộ dân vẫn bám trụ ở lại, bất chấp nguy hiểm.
Các khu chung cư cũ như Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Văn Chương, Nam Đồng, Hào Nam, Nam Thành Công… cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Trong cải tạo chung cư cũ theo kế hoạch chung của thành phố, quận Đống Đa cũng thực hiện theo kế hoạch cơ bản, hoàn thành công tác kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ, lập kế hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện song song và có cơ sở để lựa chọn những đơn vị thực hiện cải tạo chung cư cũ” - ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nói.
Mặc dù, được khởi động từ năm 1999, nhưng sau hơn 20 năm, số chung cư cũ trên địa TP Hà Nội được cải tạo vẫn chưa đạt con số 10% (trong tổng số 1579 chung cư). Việc cải tạo, xây dựng mới diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân.
Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng…
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Việc xây dựng lại chung cư cũ được thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ. Thành phố đã ban hành đề án cải tại chung cư cũ và kèm theo đề án là 5 kế hoạch để triển khai thực hiện cải tạo chung cư cũ”.
Theo VOV