Bắt đầu từ sáng 6.9, mặc dù đã kích hoạt các chốt phòng chống dịch theo 3 vùng, nhưng trong 2 ngày 6-7.9, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra xác suất ở các điểm chốt, nhắc nhở người dân, chưa xử phạt.
Trên tuyến đường Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), lực lượng chức năng đã lập hàng rào chia thành 2 làn đường để tiến hành kiểm soát. Ngày hôm nay, Tổ công tác sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân về quy định mới trong Chỉ thị 20 đã áp dụng để chống dịch.
Bắt đầu từ sáng nay (6.9), các lực lượng chức năng của Hà Nội đã chính thức triển khai công tác phòng, chống dịch theo 3 vùng theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Tuy nhiên, trong hai ngày 6 và 7.9, các lực lượng chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất ở các điểm chốt, nhắc nhở người dân, mà chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy theo quy định mới. Điều này nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện chuẩn bị thực hiện cấp giấy mới.
Kêu gọi người dân chung tay chống dịch
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc thực hiện phân 3 vùng ở Thủ đô từ ngày 6.9 căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và xuất phát từ yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở mức cao hơn đồng thời khôi phục sản xuất kinh doanh ở những vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho “vùng đỏ.”
Trong đó, tại Vùng 1 - vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị số 16/CT-TTg - nhiệm vụ trọng tâm là phải hạn chế lượng người ra đường tránh lây lan dịch bệnh. Trong những ngày vừa qua, số ca F0 mới được phát hiện ở Vùng 1 đã giảm dần, nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã giao Công an Thành phố tham mưu phương án cấp giấy ra đường cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, bảo đảm nhanh, gọn, thuận tiện; lập các chốt kiểm soát, tổ chức kiểm tra lưu động trên các tuyến đường theo hướng siết chặt hơn nhằm hạn chế lượng người ra đường, thực hiện giãn cách triệt để ở “vùng đỏ”.
“Trước mắt, trong 2 ngày đầu, các lực lượng chủ yếu kiểm tra để tuyên truyền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác chấp hành; rà soát đánh giá, cần thiết điều chỉnh vị trí bố trí các chốt, tổ chức lại phân làn, phân luồng giao thông,” Bí thư Thành ủy nhấn mạnh,
Bí thư Thành ủy kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp chủ động tổ chức lại hoạt động, tăng cường làm việc trực tuyến, giảm bớt nhân công làm việc trực tiếp để chung tay với thành phố chống dịch đồng thời kêu gọi người dân Hà Nội chia sẻ, ủng hộ các biện pháp của thành phố để quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Cung cấp thêm 2 đường dây nóng
Đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết để phục vụ tối đa việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký giấy đi đường theo Quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại Vùng 1 (phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19), ngoài số điện thoại đường dây nóng đang sử dụng là 069.219.4299, Công an thành phố cung cấp thêm 2 số điện thoại đường dây nóng sau: 069.219. 4295 và 069.219.4296.
Trước đó, Công an Thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện, thị xã triển khai các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại phân vùng 1 (vùng đỏ).
Cụ thể, TP Hà Nội sẽ tổ chức 21 chốt kiểm soát loại 1 đặt tại các vị trí có mật độ giao thông cao. Tại các chốt loại 1, mỗi ca trực sẽ có 16 cán bộ, gồm cán bộ của Công an Hà Nội, Thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải, lực lượng quận đội của Bộ tư lệnh Thủ đô và cán bộ Sở Y tế Hà Nội. Chốt trưởng do 1 cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đảm nhiệm.
Thành phố cũng triển khai 9 chốt loại 2 đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện quản lý và lực lượng Công an cùng cấp phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhân lực tham gia kiểm soát; mỗi chốt sẽ chia làm 4 ca, mỗi ca 9 cán bộ, trực 24/24. Chốt trưởng do Công an quận, huyện đảm nhiệm.
Ngoài ra, 9 chốt loại 3 đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp do UBND xã, phường, thị trấn quản lý; Công an cùng cấp phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia kiểm soát; mỗi chốt chia làm 4 ca, mỗi ca 4 cán bộ trực, chốt trưởng do công an đảm nhiệm.
Theo quy định, 39 chốt trên có nhiệm vụ kiểm soát chặt tất cả người và phương tiện được vào, ra phân vùng 1; bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn, phân luồng giao thông. Dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu; có thể xét nghiệm nhanh COVID-19 trong trường hợp nghi ngờ...
Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.
Theo Chỉ thị số 20 của UBND TP Hà Nội, vùng 1 được xác định: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô. Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. |
Theo TTXVN