Phần lớn nhà ống hiện nay đều có đặc điểm chung là sâu, hẹp và thường chỉ có một mặt tiền. Vì vậy, khi xảy ra hoả hoạn, nhiều nhà ống trong tình trạng không lối thoát khiến nhiều người thiệt mạng Theo các kiến trúc sư, hiện nay thiết kế nhà ống ở đô thị, người dân chỉ quan tâm đến diện tích sử dụng, phân bố các phòng, khả năng bảo đảm an ninh... Ít người nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp Do đó, với những căn nhà ống hiện hữu, khi thiết kế nên chừa sân sau làm nơi phơi đồ, sàn nước. Đây cũng là nơi thoát hiểm khi hoả hoạn xảy ra Nếu có sân sau, gia chủ có thể mở cửa sổ hoặc làm ban công các phòng ra phía sau. Nhờ đó, nhà sẽ có nhiều khoảng mở hơn, khói dễ thoát ra ngoài Nếu ban công, lô gia nhà ống bị bịt kín bằng khung sắt hoặc lam, lưới an toàn thì nên bố trí ô cửa mở bằng bản lề, có khoá mở phòng trường hợp khẩn cấp Thay vì tận dụng hết diện tích sàn, các gia đình nên dành không gian cho ban công Cửa chính nhà ống thường có 2 lớp, gồm cửa đóng thông thường và cửa sắt xếp, cửa cuốn. Nên sử dụng hệ thống chốt khoá, vận hành hiện đại đề phòng những lúc nguy cấp. Nếu chỉ có một cửa chính, nên thiết kế quay ra ngoài để thoát nạn dễ hơn Cầu thang trong nhà nên bố trí gần mặt tiền hoặc gần các khoảng sân vườn Trong nhà ống nên thiết kế giếng trời (có thể đóng mở). Giếng trời giúp thoáng khí. Nếu xảy ra cháy, khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài Phần sàn mái nhà ống thường có một phần được làm bằng phẳng để đặt bồn nước và có thang kỹ thuật lên mái. Đây được xem là một trong những lối thoát hiểm hữu hiệu. Lưu ý, cầu thang kỹ thuật cần thiết kế tiện dụng, dễ dàng thoát ra ngoài Nếu nhà ống không có sân thượng, ban công, lô gia thì nên gắn bản lề có khóa cho khung bảo vệ cửa sổ để mở trong những trường hợp khẩn cấp Với nhà ống có 2-3 mặt thoáng, nên bố trí thêm cửa thoát hiểm ở bên hông nhà hoặc phía sau nhà. Đây là hệ thống cửa phụ để thoát nạn khi hỏa hoạn xảy ra mà không thể thoát qua cửa chính
Theo Tri thức & Cuộc sống