Việc nâng tiêu chí phân cấp quản lý thuế đối với doanh nghiệp sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách.
Cán bộ thuế huyện Bình Giang kiểm tra việc thực hiện các quy định về thuế tại một cơ sở sản xuất vàng bạc
ở làng nghề Lương Ngọc (xã Thúc Kháng)
Ngày 21-8-2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 127/2015/TT-BTC (Thông tư 127) hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp này. Theo đó, việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới được áp dụng từ ngày 10 - 10 - 2015 (thời điểm thông tư có hiệu lực).
Ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: "Hiện tại, việc phân công cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 150/NQ-HĐND ngày 8-12-2010 của HĐND tỉnh. Theo nghị quyết này, Cục Thuế tỉnh quản lý thu đối với các doanh nghiệp đạt một trong các điều kiện sau: các đơn vị có nhiều chi nhánh, cửa hàng ở các địa phương, đơn vị hoàn thuế; các đơn vị có số vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; các đơn vị có doanh số hoạt động từ 10 tỷ đồng trở lên; các đơn vị có số nộp ngân sách từ 300 triệu đồng trở lên".
Đối với những doanh nghiệp không đạt các tiêu chí trên giao cho Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố quản lý thu. Căn cứ quy định tại Thông tư 127, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng dự thảo tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp thành lập mới trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp này. Đối với các doanh nghiệp đã được phân công cơ quan thuế quản lý từ ngày 9-10-2015 trở về trước tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 150 của HĐND tỉnh. Việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 10 - 10 - 2015 chưa thay đổi ngay theo quy định của Thông tư 127 mà tạm thời giữ nguyên theo các tiêu chí đã được quy định tại Nghị quyết số 150 đến hết năm 2016. "Trong quý II - 2016, Cục Thuế tỉnh thực hiện việc rà soát và thảo luận với Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc xây dựng tiêu chí phân cấp cơ quan quản lý và tỷ lệ điều tiết nguồn thu của các doanh nghiệp theo Thông tư 127. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quản lý của từng khu vực, địa bàn nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý thu ngân sách làm cơ sở triển khai xây dựng dự toán thu chi từ năm 2017 trở đi", ông Vũ Ngọc cho biết thêm.
Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn, nhiệm vụ chi ngày càng nặng nề, nhiều địa phương lại mong muốn nâng tiêu chí phân cấp quản lý thuế đối với doanh nghiệp để cấp huyện chủ động trong việc điều hành nhiệm vụ chi ngân sách hằng năm. Theo ông Bùi Đức Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Nam Sách, Chi cục hiện đang quản lý gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hằng năm chưa đến 100 doanh nghiệp phát sinh thuế, đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách địa phương. Vì vậy, việc nâng tiêu chí doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng sẽ giúp huyện quản lý nhiều doanh nghiệp hơn, số thu ngân sách sẽ tăng lên, đáp ứng nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn.
Chi cục Thuế huyện Bình Giang hiện đang quản lý 210 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 184 doanh nghiệp thực sự hoạt động, đóng góp khoảng 14 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, chiếm 10% tổng số thu ngân sách của huyện năm 2015. Ông Lê Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Bình Giang, cho rằng, việc nâng tiêu chí phân cấp quản lý thuế đối với doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh thu ngân sách của Bình Giang, khi huyện hiện mới chỉ đủ chi thường xuyên và một phần chi cho đầu tư phát triển. Nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản vẫn trông chờ vào nguồn vốn cấp trên. Vì vậy, nâng tiêu chí quản lý thuế đối với doanh nghiệp góp phần tăng thu ngân sách, giúp địa phương tự chủ hơn trong các chương trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc nhận định, việc nâng tiêu chí phân cấp chưa nên thực hiện ở thời điểm này. Toàn tỉnh hiện có gần 8.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chưa đầy 2.000 doanh nghiệp thuộc Cục Thuế tỉnh quản lý. Lượng doanh nghiệp thuộc sự quản lý của các huyện, thị xã, thành phố khá lớn, trong khi số lượng cán bộ ít, trình độ không đều. Vì vậy, nếu nâng tiêu chí phân cấp, số doanh nghiệp thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng lên, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế.
Bên cạnh việc phân cấp cơ quan quản lý thuế đối với doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh trình HĐND xem xét lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các huyện, thị xã, thành phố với một số khoản thu. Cụ thể như thu từ hộ khoán thuế dành lại toàn bộ cho ngân sách cấp xã để các địa phương chủ động nguồn kinh phí chi thường xuyên. Nhờ vậy, chính quyền các xã, phường, thị trấn sẽ tập trung chỉ đạo thu trực tiếp, chống thất thu ngân sách, bảo đảm công bằng, phát huy vai trò của hội đồng tư vấn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Các khoản thu từ đất như tiền thuê đất, tiền sử dụng đất giãn dân, đất xen kẹp...; thu xây dựng cơ bản vãng lai để lại 100% cho ngân sách huyện. Xem xét lại tỷ lệ điều tiết đối với tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng đề nghị xem xét lại tỷ lệ điều tiết cho cấp huyện những khoản thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thu cấp quyền khai thác khoáng sản... giúp các địa phương tự chủ hơn trong việc điều hành ngân sách.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng tiêu chí phân cấp quản lý thuế đối với doanh nghiệp sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách. Cục Thuế tỉnh cần hỗ trợ nhân lực, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý thuế.
VỊ THỦY