Giữa quê lòng lại nhớ quê

09/08/2022 08:25

Đọc “Thức với trăng quê” của Nguyên Hà trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần (số 1296 năm 2020), tôi bị cuốn hút ngay bởi lời thơ dung dị mà sâu lắng.

Thức với trăng quê

Đã lâu mới trở về làng
Cứ thao thức với trăng vàng cả đêm
Đi tìm những chốn thân quen
Lối sang hàng xóm tắt men vườn cà
Giờ thì ngăn cách tường hoa
"Gần nhà xa ngõ" biết qua đường nào?
Đi tìm dấu tích bờ ao
Cây sung chát, cây ổi đào ở đâu
Ao làng cạn cả nông sâu
Đã san lấp để nhà lầu mọc lên
Ra đồng tìm thửa ruộng chiêm
Dồn điền đổi thửa thay tên chủ rồi
May còn cái chỗ ta ngồi
Dưới cây gạo cháy đỏ trời tháng ba
Thẫn thờ qua chỗ tha ma
Nén nhang ai thắp kết hoa vòng tròn
Cạnh ngôi xây như lầu son
Là bao mộ đất vẹt mòn gió mưa
Triền đê cũ, bến sông xưa
Đâu con đò gỗ đón đưa người về?
Trăng tà thương nhớ ngọn tre
Giữa quê lòng lại nhớ quê thuở nào.

NGUYÊN HÀ

Đọc “Thức với trăng quê” của Nguyên Hà trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần (số 1296 năm 2020), tôi bị cuốn hút ngay bởi lời thơ dung dị mà sâu lắng. Viết về sự đổi thay của quê hương luôn là đề tài quen thuộc đối với các nhà văn, nhà thơ. Thế nên, chọn đề tài này sẽ rất khó vì dễ bị trùng lặp, sáo mòn. Nhưng với một người cầm bút chững chạc, “có nghề” như Nguyên Hà thì chẳng gì có thể làm khó ông được. Qua “Thức với trăng quê”, ông đã tìm được lối đi riêng, dẫn dắt người đọc vào những kỷ niệm vui, buồn trước sự đổi thay của làng quê thời hội nhập.

Có một thực tế là quá trình đô thị hóa đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan làng quê, diện mạo nông thôn trở nên văn minh, hiện đại hơn. Mặt khác cấu trúc không gian nông thôn truyền thống đang bị thay đổi cho nên những khác lạ mà bài thơ đề cập tới cũng là điều đương nhiên.

Bài thơ là dòng hoài niệm của một người nặng lòng với quê hương. Xa quê lâu ngày, nay có dịp trở lại, người thơ “Cứ thao thức với trăng vàng cả đêm”. Những kỷ niệm thân thương của một thời cứ dồn dập ùa về, da diết nhất là nỗi nhớ. Nhớ từ lối đi tắt sang nhà hàng xóm, nhớ dấu tích bờ ao có cây sung chát, cây ổi đào, nhớ ao làng, thửa ruộng chiêm, nhớ triền đê, bến sông, con đò gỗ, ngọn tre…

Những yêu dấu ngày xưa nay đã không còn mà thay vào đó là bức tường hoa xây ngăn lối tắt sang nhà hàng xóm nên tác giả mới viết: "Gần nhà xa ngõ" biết qua đường nào?", là “Ao làng cạn cả nông sâu/ Đã san lấp để nhà lầu mọc lên”, ruộng thì “Dồn điền, đổi thửa thay tên chủ rồi”. Thậm chí, cả cái bãi tha ma của làng cũng thay đổi theo hướng phân rõ giàu nghèo: ngôi thì “xây như lầu son”, ngôi thì “mộ đất vẹt mòn nắng mưa”.

Một bộ mặt mới đã được thay thế, người về thăm quê cảm thấy ngỡ ngàng, buồn vui lẫn lộn… Vui vì sự đổi mới của làng quê. Buồn vì những kỷ niệm xưa chỉ còn trong ký ức… Trong những sự đổi thay ấy, tác giả nhận ra vẫn còn có những điều không thay đổi đó là ánh trăng vàng nơi quê và còn “May còn cái chỗ ta ngồi/ Dưới cây gạo cháy đỏ trời tháng ba”. Đây là câu thơ giàu sức gợi. Cây gạo đứng thắp lửa đầu làng mỗi độ tháng ba về, giờ đây là nhân chứng của làng, giục giã bước chân đi, chào đón những bước chân trở về. Phải chăng đó là biểu tượng cho cái bất biến mang giá trị văn hóa của làng quê? Ánh trăng vàng, cây gạo và cái chỗ ta ngồi vẫn còn nguyên, có thể hiểu nó tượng trưng cho những điều đẹp đẽ làm nên giá trị bền vững của làng quê Việt chăng?

Công bằng mà nói, xã hội thay đổi, làng quê đổi thay theo chiều hướng ngày một tốt lên là điều tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển. Chứng kiến những sự đổi thay ấy, bên cạnh niềm vui, sao người thơ vẫn cảm thấy bùi ngùi? Có thể do quá nặng lòng với quê xưa, nơi đã ghi dấu quãng đời thơ trẻ đầy ý nghĩa? Có thể trong sâu thẳm, người thơ lo lắng những gì thuộc về bản sắc văn hóa của làng quê sẽ dần mai một? 

Cho dù là vì lý do gì ta cũng cảm và hiểu được tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa với quê hương của nhà thơ. Và như vậy, chắc hẳn chút bùi ngùi tiếc nuối sẽ qua đi, khi tác giả chứng kiến “làng như phố”, cuộc sống người dân đa phần giàu có, ấm no, hạnh phúc.

Câu thơ cuối: “Giữa quê lòng lại nhớ quê thuở nào” là câu thơ có sức nặng, gói trọn tình cảm của tác giả với quê hương. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của ai đó: “Ô hay mọi cái đều thay đổi/Còn với non sông một chữ tình”. Cũng có thể hiểu, dù làng quê có đổi thay thì tình cảm của tác giả với quê hương cũng không bao giờ thay đổi. Bởi quê hương không phải chỉ là những điều lớn lao, to tát, quê hương còn là nơi chất chứa những ký ức bình dị, thân thương, có khi cả những khổ đau, vất vả…

“Thức với trăng quê” là một bài thơ hay, phản ánh đúng thực trạng thay đổi của làng quê Việt Nam. Bằng lời thơ dung dị, ngọt ngào, thấm đẫm chất quê, Nguyên Hà đã gợi nhắc những kỷ niệm một thời gắn bó với quê nhà. Bên cạnh niềm vui, tự hào trước bộ mặt làng quê thay đổi, tác giả còn chút gì đó vấn vương, nuối tiếc, bởi những kỷ niệm trong trẻo của một thời xưa cũ nay đã không còn? Đó là tâm trạng rất thật của nhà thơ và của mỗi chúng ta. Nhưng “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, quê hương sẽ còn nhiều thay đổi, mong sao những chuẩn mực làm nên bản sắc của những vùng quê sẽ còn mãi và ngày càng tốt đẹp hơn.

NGUYỄN THỊ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữa quê lòng lại nhớ quê