Khám phá

Giữ “thiên đường” Cát Tiên cho muông thú

ĐỖ DOÃN HOÀNG 14/02/2024 08:00

Có người nói do duyên phận của lịch sử đặc biệt tạo nên, nhưng nhiều người lại tin rằng, để có một thiên đường muông thú của Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cát Tiên như hiện nay, tất cả là do đạo đức, nhân cách của những người giữ rừng.

anh-nguyen-manh-hiep.jpg
Muông thú ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp
chim-cong-o-khu-ramsar-bau-sau-vqg-cat-tien-anh-nguyen-manh-hiep-2-(1).jpg
img_2850-2-.jpg
dsc02757-1-.jpg
img_2855-2-.jpg
nct_heo_rung_me_con_boar_breeding__dsc5570-pautang-.jpeg
nmh8096.jpg

Phải quyết tâm và được ủng hộ để minh bạch thật sự thì bên bờ sông Đồng Nai uốn khúc, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 150 km, chúng ta mới giữ được cho đến hôm nay một “miền hoang dã” sum vầy như cả “thế giới động vật rừng châu Phi” - Vườn Quốc gia Cát Tiên (rộng 75.000. ha, trùm lên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).

Một đêm gặp ngót trăm con nai mắt sáng như sao

Đêm, tháng 12/2023, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, anh Phạm Xuân Thịnh cắt cử kiểm lâm viên Lê Đức Khánh, một anh chàng có đại gia đình làm trong ngành lâm nghiệp, cầm đèn pin dẫn chúng tôi đi “thử xem thú rừng còn nhiều hay ít”. Chiếc xe tải có ghế ngồi mui trần chở được tới ba chục du khách. Tất cả im lặng tuyệt đối, không ai được dùng đèn pin hay đèn điện thoại để soi bất cứ cái gì, tránh để muông thú hoảng sợ. Chỉ một mình Khánh lướt đèn một cách bài bản trên các tán cây, trảng cỏ. Có khi cú muỗi mào quáng quàng lao ra đường, chạt lạt qua đầu chúng tôi, đẹp kỳ bí. Đây, một chú hoàng anh đầu đen vàng ruộm, mịn màng như cục bông, đang rúc đầu vào phom cánh của chính mình mà ngủ ngon lành trên tán cây rêu phủ. Kia mấy chú chim đớp ruồi Hải Nam, đầu màu xanh tim tím, bộ lông mượt như nhung đang ne nép vào nhau như để tìm hơi ấm trong giấc ngủ say nồng, dưới sự che chở của các phom lá rộng của giai đoạn rừng nhiệt đới còn xanh ngợp ngợp, do Nam Cát Tiên chưa hết hẳn mùa mưa.

dodoanhoang_vuonquocgia_1-1-02540760359619f65be0f132a31d9bfa.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Có tiếng cú kêu vang lên trong rừng già, lúc da diết, lúc tắc bụp mơ hồ, như trốn tránh sự tìm kiếm của chúng tôi. Trời ơi, con gì mắt đỏ pha tím đang lấp lánh xa xa. Cú muỗi mào, con trống. Đôi mắt nó “bắt” ánh đèn, như thể bị “say nắng”, tò mò nhìn xa xăm, không buồn bay khi chúng tôi tiến đến khá gần. Mắt chú ta tròn xoe. Khánh bảo, bọn em phải chọn loại đèn phù hợp, cái này được các chuyên gia nghiên cứu bảo tồn chim hoang dã khuyến cáo rồi. Ánh sáng đủ vàng, đủ nhẹ, đủ sáng, làm sao không ảnh hưởng đến loài chim ăn đêm tuyệt đẹp này. Cũng “nhã nhặn” với chú ta, để chú không sợ hãi, rồi lần sau ra góc rừng này còn được... gặp nhau.

Xưa, người Việt Nam cứ nghĩ con chim cú, nhất là chim lợn, cú lợn (thuộc bộ họ cú, có tiếng kêu giống tiếng lợn) luôn là thứ báo điềm gở, có sự chết chóc rủi ro đau ốm. Nhưng giờ đây, nhất là kể từ khi hình ảnh chim cú trong sách vở phim ảnh vô cùng đáng yêu từ phương Tây du nhập, những người mê chim chóc và khám phá thiên nhiên hoang dã, họ đã thêm yêu vẻ đẹp và sự kỳ bí của các loài chim cú. Ở Cát Tiên, bạn tôi, Nguyễn Mạnh Hiệp chụp được loài dì dì Phương Đông (loài cú cá) tuyệt đẹp. Cú lợn rừng, cú mèo khoang cổ, cú muỗi mào…

Tôi và Khánh tiến đến, cỗ máy ảnh hiện đại nhất đang bán trên thị trường, một cú bấm cho ra 30 khoảnh khắc chất lượng cao, “nổ” râm ran khe khẽ. Chú cú muỗi mào nhìn ngơ ngác, chợt như thoát khỏi cơn mơ ngủ bay vù đi. Tiếng con cú lợn rừng thảng thốt ở tán cây cổ thụ xanh um. Đèn rọi len lén. Ánh mắt bắt đèn pin của chú ta đỏ đòng đọc. “Sát thủ bóng đêm” cực tinh nhạy, con mắt to và trong veo như mắt mèo, lúc bắt ánh đèn đỏ như… hai đụn lửa, tai chú ta dựng lên y như con mèo thơ ngộ.

thien-nhien-sum-vay-o-vqg-cat-tien-tinh-dong-nai-anh-cua-nguyen-manh-hiep-2-.jpg
“Miền hoang dã” sum vầy như cả “thế giới động vật rừng châu Phi” ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Ngoài kia, trong một tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy ánh lửa sáng như sao sa dọc các triền cỏ tranh. Liên tiếp các bầy nai. Các chú nai đực đang mùa dụ bạn tình, ở cổ có cục xạ đỏ au (chắc là thơm lắm, chúng tôi ở xa không cảm nhận được). Có chú nai ướt sũng vừa đằm dưới bùn ra, nai mẹ dẫn nai con líu ríu bước ra nhìn tò mò về phía ánh đèn. Vài chú hoẵng (còn gọi là mễn, mang), đôi con cheo xinh xắn luồn đi trong cỏ tranh.

Vụt, một con bò rừng, lại chú bò tót nữa, chúng đi lùi lũi đen kịt trong đêm. Cầy hương thì nhiều vô kể. Chim, thú, các loài ăn đêm hiện ra đã nhiều. Nhưng nhiều nhất vẫn là lúc ban ngày.

Anh Tăng A Pẩu, một người bỏ gần hai thập niên đi chụp thiên nhiên hoang dã, nay vẫn đang mải miết sáng tác ở tuổi ngoài 70 và đặc biệt dành nhiều tâm huyết trong tố cáo các đường dây tàn sát môi trường. Anh Pẩu có 6 tháng ở liên tục trong “thiên đường muông thú châu Phi” - Vườn Quốc gia Cát Tiên để chụp ảnh. Với chiếc xe bán tải được đặc cách đi vào rừng, anh đã có những bộ ảnh chim, cú, chim công, thú hoang đủ loại (bò tót, voi, bò rừng, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, lợn rừng, nai, nhím, hoẵng…) làm lay động lòng người. Chắc đây là nơi duy nhất ở Việt Nam, không quá khó để gặp đàn bò tót đông đàn dài lũ và ghi hình chúng.

nmh7388-2-.jpg
Du khách có thể đi thuyền thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên

Nhờ quá trình đau đáu, đắm say với thiên nhiên Cát Tiên, anh Tăng A Pẩu được Giám đốc vườn lúc đó là anh Phạm Hồng Lượng tặng danh hiệu “Hiệp sĩ rừng xanh”. Lễ trao diễn ra trang trọng, truyền thông Việt Nam đưa tin trân trọng. Các bức ảnh của nhiều nghệ sĩ say mê thiên nhiên hoang dã (như anh Pẩu, anh Nguyễn Mạnh Hiệp…) đã được Ban Quản lý vườn in trang trọng khổ lớn, trưng bày ở các sảnh đón du khách, các poster quảng bá du lịch, in cả trong các phòng lưu trú mang tên voi, gấu, giáng hương, gõ đỏ, công xanh… của vườn. Đây là một hình thức lan tỏa tình yêu thiên nhiên rất hiệu quả.

img_2819-1-.jpg
Nếu trước đây là dự báo điềm gở thì nay chim cú lại được những người mê chim, ưa khám phá thiên nhiên hoang dã rất thích bởi vẻ đẹp kỳ bí của loài chim này

Cuộc chiến can trường của những hiệp sĩ giữ rừng

Thái độ trân trọng của Ban Giám đốc, nhân viên, kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên với các giá trị của kho báu thiên nhiên mà mình đang quản lý kia, đã góp phần quan trọng tôn vinh và lan tỏa những điều đó. Chắc chắn bạn sẽ nghĩ rằng, mình đang có mặt ở một “vườn địa đàng” nguyên sơ - thứ đã hiếm hoi trên thế giới và càng vô cùng hiếm hoi ở Việt Nam - nhất là khi mà chúng ta đã quen với việc vào vườn quốc gia chỉ thấy người, nhà hàng, cây cối, chứ ít thấy các kỳ quan đại thụ, càng ít các loài muông thú hoang dã thung thăng gặm cỏ, kiếm ăn. Thử hỏi, ở Việt Nam ta hiện nay, có nơi nào mà chỉ một đêm đi theo ngọn đèn pin soi thú, bạn có thể gặp chừng một trăm con nai, gặp cả bò tót, bò rừng, cầy hương, các loài chim, rắn, cú…?

Điểm nhấn đáng chú ý nữa là các loài chim ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, bản thân tôi đã chụp công hoang dã múa tuyệt bích, các loài cú đêm kỳ bí, các loài chim quý mà khách quốc tế nô nức đến tìm như pitta, gà tiền mặt đỏ. Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là khu rừng đặc dụng có nhiều khu vực chụp chim (site) nhất Việt Nam: với 6 site! Trong khi đó, ở các Vườn Quốc gia được coi là đông du khách và “lá phổi xanh” màu mỡ khác như: Bạch Mã, Ba Vì, Tam Đảo, Pù Mát, Côn Đảo, Yok Đôn… thì đều không có site chim nào!

Một thống kê đã được các chuyên gia phát biểu và báo chí chính thức đăng tải: Trong số hơn 900 loài chim được ghi nhận của Việt Nam ta, thì Vườn Quốc gia Cát Tiên có tới hơn 400 loài. Tỷ lệ áng chừng hơn 40%, gần 50% số chim của Việt Nam tụ hội về Cát Tiên. Nếu bạn đi bộ 5km đường lát đá vào tới khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (đã được tôn vinh theo công ước Ramsar) thì sẽ gặp vô số chim thú, các chú công đực diêm dúa lộng lẫy múa mê tơi, cú kêu mơ màng, chim bay rợp sắc. Đặc biệt, ở Bàu Sấu là nơi nhiều cá sấu nước ngọt hoang dã nhất Việt Nam. 600 sát thủ đầm lầy, bơi lội kiếm ăn, ngày chúng nằm há miệng phơi nắng, tối bơi ủng oẳng, rọi đèn pin một lúc thì thấy cả nghìn con mắt sáng như sao sa chi chít…

nct_heo_rung_me_con_boar_breeding__dsc5570-pautang-.jpeg
Đàn lợn rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Để giữ được các loài chim thú sum vầy, gợi nhớ tới các hình ảnh kinh điển của “động vật rừng châu Phi” như thế - vẫn tồn tại vào giữa thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 này - ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, các lực lượng bảo vệ rừng nơi đây, nhiều thế hệ, đã xông pha và “chiến đấu” thật sự rất can trường trước mưu ma chước quỷ của các loại lâm tặc. Hơn 90km sông Đồng Nai bao quanh diện tích của rừng, bên kia sông là các cụm dân cư, các con thuyền chỉ “nổ máy một phút” đã xâm nhập được vào vườn. Cho nên, việc tuyên truyền, noi gương, răn đe, giác ngộ, để đông đảo bà con mình (ở cả 3 tỉnh) cùng chung tay tự hào và gìn giữ “miền hoang dã Cát Tiên”, đó mới là mấu chốt của vấn đề. Rừng mênh mông chỗ nào cũng là “cửa rừng”, lực lượng kiểm lâm quá mỏng, phương tiện di chuyển và công cụ hỗ trợ khá đơn giản, cuộc đương đầu với lâm tặc vô cùng cam go.

Giữa bối cảnh đó, chỉ có đạo đức công vụ thật sự, nỗ lực đích thực, thì rừng và linh hồn rừng (muông thú) mới được bảo vệ như hôm nay. Anh Phạm Hồng Lượng, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên đã dùng chính trang cá nhân của mình, chính hình ảnh thượng tôn màu xanh diệp lục của mình và gia đình “truyền thống” công tác trong ngành bảo tồn thiên nhiên của mình để lan tỏa các giá trị quý từ miền hoang dã Cát Tiên. Đương kim Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện nay, anh Phạm Xuân Thịnh thì mỗi lần xử lý các vụ dùng súng, dùng bình xịt hơi cay, dao nhọn, gậy gộc tấn công kiểm lâm dã man, thu tang vật là các loại bẫy, vũ khí và nhiều loài thú quý hiếm vừa bị giết hại, anh đều bần thần gửi ảnh cho chúng tôi. Có lần anh thốt lên: Đau quá, nhà báo ạ!

Tất nhiên, càng bảo vệ rừng quyết liệt, dũng cảm chống lại các hành vi hủy hoại rừng và sát hại muông thú quý hiếm, thì kiểm lâm càng dễ bị kẻ xấu hành hung. Tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, chỉ tính riêng trong năm 2023, có khi trong 3 ngày của tháng 3, đã có tới 2 vụ hành hung kiểm lâm dã man. Cụ thể ngày 2/3/2023, 9 đồng chí kiểm lâm đi tuần tra, phát hiện nhóm lâm tặc săn bắn giết hại nhiều thú rừng như: lợn rừng, nai, cheo, cầy hương…, họ tiến hành xử lý, thì các đối tượng đã manh động dùng súng tự chế, bình xịt hơi cay, dao, gậy gỗ lớn liên tiếp tấn công dã man. 3 đồng chí kiểm lâm bị trọng thương, trong đó anh Phó trạm Trưởng kiểm lâm Phạm Ngọc Tuấn, bị nhiều vết bầm tím, chảy máu ở ngực, cổ, miệng, mũi. Đặc biệt là vết thương nặng ở gò má bên trái. Các anh Chìu Văn Hai, Lương Văn Bào cũng bị thương tích nặng. Sau đó, 6 lâm tặc đã bị Công an huyện Tân Phú (Đồng Nai) bắt tạm giam, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trước đó có 3 ngày, tối 28/2/2023, anh Vũ Mạnh Cường, thuộc Trạm kiểm lâm Đa Bông Cua, Vườn Quốc gia Cát Tiên đi thực hiện nhiệm vụ, bị 5-6 thanh niên hành hung dã man, phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị dài ngày.

Thiên nhiên tuyệt bích, khi được bảo vệ và phát huy giá trị xứng tầm, nó không chỉ là tài sản dạng cây gỗ lớn chứa nhiều mét khối gỗ đắt tiền; không chỉ là những con thú to quý hiếm…, chúng còn là không gian sống diễm lệ và thắm tình để nuôi dưỡng tâm hồn, chữa lành mọi vết thương cho chúng ta. Chúng là những “giáo cụ trực quan” và không thể thay thế, giúp hình thành nhân cách, nuôi dưỡng lòng nhân ái trong mỗi chúng ta. Rừng là tấm áo giáp, là mái nhà chung kỳ diệu che chở, bao bọc thế gian này.

z4948800216050_1a4682b3ecc601a19d2fe2e1d1c5a9ca.jpg
Những bậc đại thụ kỳ thú riêng có ở Vườn Quốc gia Cát Tiên
z4948800185426_2d87eff931e9a696b71e34b1ef6bf19a.jpg
Những bậc đại thụ kỳ thú riêng có ở Vườn Quốc gia Cát Tiên
z4948800002259_2905c44e2d54ca3c443de59dda02d7de-1-.jpg
Những bậc đại thụ kỳ thú riêng có ở Vườn Quốc gia Cát Tiên
z4948800267602_495d858e92a7e2c5911284d92125c762-1-.jpg
Những bậc đại thụ kỳ thú riêng có ở Vườn Quốc gia Cát Tiên

Những bảo tàng sống gồm nhiều đại thụ kỳ thú

Bảo tàng các cây cổ thụ ở Vườn Quốc gia Cát Tiên có thể khiến bất cứ ai cũng phải sững sờ. Đây, các cây tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi, cao hơn 40 m, thân to phải đến 20 người ôm mới xuể. Bộ rễ của cụ bành ra như những con khủng long thời tiền sử, bò khắp vài chục mét rừng già. Bên kia, cây gõ đỏ cổ thụ, quý, hiếm, đã được công nghệ tân tiến xác định niên đại hơn 700 năm tuổi, đường kính gốc tới 2,5 m. Từ cuối những năm 1980, đồng chí Phạm Văn Đồng, bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đến thăm cây gõ đỏ “kỳ quan đại thụ” này và có lời khuyên nhủ quý giá với công tác bảo vệ rừng ở kho tàng thiên nhiên quý Cát Tiên. Xúc động trước tình cảm này, cán bộ và bà con nơi đây đã treo biển, mở đường chỉ dẫn rồi đặt tên “cây di sản”: “Cây gõ bác Đồng”.

Chúng tôi đến Cây si trăm thân, qua các lối rừng mê mải, như lạc vào thiên đường của hoa lá. Nhiều bạn trẻ cắm trại, mở tiệc liên hoan bên bờ suối mát trong. Ở đó, cây si trùm kín con suối, trùm kín đôi bờ, rộng dài cả trăm mét. Cách đó không xa là cây thiên tuế có tuổi đời vài thế kỷ; cây bằng lăng sáu ngọn, cây bằng lăng hình voi, cây bằng lăng u mấu “trần gian có một” - tất cả đều kỳ vĩ đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 300 năm qua, cây đa Lục giao (theo nghĩa 6 cây cổ thụ mọc giao cành lá vào nhau) có cành nhánh đan cài vào nhau cuồn cuộn, tạo thành một mái vòm khổng lồ, khiến người ta nghĩ đến sự kỳ công và khả năng thiết kế tài hoa của tạo hóa...

ĐỖ DOÃN HOÀNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ “thiên đường” Cát Tiên cho muông thú