“Giữ lửa” cho những làn điệu hát ru, hát dân ca

15/10/2022 16:39

Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ là nơi các bà, các mẹ lưu giữ những làn điệu hát ru, hát dân ca để trao truyền cho thế hệ sau.


Một tiết mục tại Liên hoan hát ru, hát dân ca huyện Tứ Kỳ

Tưởng như những tiếng ru à ơi, những làn điệu dân ca sẽ chìm nghỉm giữa sự phát triển mạnh mẽ của giải trí, ca nhạc thời công nghệ, nhưng với các mô hình, các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp tổ chức, những làn điệu hát ru, hát dân ca vẫn được các bà, các mẹ "giữ lửa", trao truyền cho thế hệ sau.

Xây dựng và duy trì

Thời gian qua, nhà văn hóa khu dân cư Cương Xá, phường Tân Hưng thường xuyên sáng đèn buổi tối. Đây là địa điểm tập luyện quen thuộc của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ phụ nữ khu Cương Xá. 

Chị Đỗ Thị Nhài, nhân viên y tế phường Tân Hưng, hội viên phụ nữ khu dân cư Cương Xá chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham gia tập luyện văn nghệ cùng các chị em trong khu dân cư. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, ở CLB, ngoài tập luyện, chúng tôi còn được chia sẻ với nhau những câu chuyện trong gia đình, công việc". 

Tại phường Tân Hưng, các phong trào văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt. Phường có 7 CLB văn nghệ với gần 200 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Từ phong trào văn nghệ quần chúng, những làn điệu hát ru, hát dân ca được duy trì tập luyện để biểu diễn trong nhiều dịp như các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm của các ngành và địa phương.

Nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) cũng tích cực phát triển phong trào  văn nghệ quần chúng, trong đó quan tâm lưu giữ những giá trị cổ truyền thông qua các thể loại hát ru, hát dân ca. Xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều duy trì CLB văn hóa, văn nghệ với hơn 150 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. 

Chị Nguyễn Thị Diễn, hội viên phụ nữ thôn Bỉnh Dy, xã Đại Sơn, thành viên tích cực của CLB cho biết: “Dù xã hội ngày càng hiện đại với sự du nhập của nhiều thể loại mới như dân vũ, khiêu vũ, nhảy hiện đại, nhưng khi tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, CLB chúng tôi thường xuyên được yêu cầu biểu diễn các tiết mục hát ru, hát dân ca. Đây là thể loại âm nhạc gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nên luôn có sức hút riêng với khán giả ở mọi lứa tuổi”. 

Lan tỏa giá trị truyền thống

Các CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng do phụ nữ làm nòng cốt đã hoạt động hiệu quả ở nhiều địa phương. Để tiếp tục lan tỏa các giá trị truyền thống, những năm gần đây, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Liên hoan hát ru, hát dân ca trong các cấp hội 2 năm/lần. Đến ngày 13.10, toàn tỉnh đã có 8 huyện, thị xã, thành phố tổ chức liên hoan ở cấp huyện. 

Các liên hoan đã phát hiện nhiều giọng hát ru, hát dân ca truyền cảm với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ các giá trị truyền thống. Một trong số đó là giọng hát của chị Nhài, hội viên phụ nữ phường Tân Hưng với tiết mục hát ru theo làn điệu chèo “Đào liễu” của tác giả Nguyễn Sỹ Sang mang tên “Mẹ quê”. Đây là tiết mục được đánh giá cao tại Liên hoan hát ru, hát dân ca của TP Hải Dương  và được chọn thi liên hoan cấp tỉnh. Chị Nhài chia sẻ: “Đào liễu” là 1 trong 4 làn điệu được mệnh danh là “tứ quý” trong các làn điệu chèo tiêu biểu của Việt Nam, chứa đủ những yếu tố quan trọng của thanh nhạc như trữ tình, kịch tính và màu sắc. Để thể hiện được hồn của tác phẩm, tôi đã tự luyện tập ngắt, nghỉ, nối hơi theo đúng làn điệu”.

Liên hoan hát ru, hát dân ca không chỉ khơi dậy và cổ vũ phong trào hát ru, hát dân ca trong hội viên phụ nữ và nhân dân mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền của các cấp hội. Thông qua đó, Hội LHPN các cấp đã chuyển tải nội dung tuyên truyền về kiến thức và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phát huy vai trò của các thành viên gia đình trong gìn giữ, phát triển các giá trị tốt đẹp và “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Một trong những tiết mục như thế là tiểu phẩm “Giấc mơ có mẹ” của Hội LHPN xã Đại Sơn, giành được 1 trong 4 giải A của Liên hoan hát ru, hát dân ca huyện Tứ Kỳ. Tiểu phẩm phản ánh về chương trình “Mẹ đỡ đầu” mà các cấp hội trong tỉnh triển khai, qua đó lồng ghép viết lời mới cho các thể loại hát ru và hát dân ca. Chị Nguyễn Thị Lanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Sơn là người viết lời hát ru và hát dân ca mới phù hợp với nội dung tiểu phẩm dựa trên làn điệu dân ca Bắc Bộ “Bèo dạt mây trôi” với những lời ca thiết tha, ý nghĩa. “Các hội thi, liên hoan là cơ hội tốt để lồng ghép tuyên truyền những chương trình, dự án các cấp hội đang thực hiện. Đây là những chương trình, dự án ý nghĩa nên tôi đã tìm tòi viết lời mới cho các làn điệu cổ, qua đó góp phần tuyên truyền thực hiện tốt vai trò của tổ chức hội cũng như lan tỏa giá trị truyền thống”.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Với bản năng người mẹ, những cán bộ, hội viên phụ nữ tâm huyết trong tỉnh nhiều năm qua đã tích cực xây dựng, duy trì và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các chính sách, chương trình ý nghĩa hướng tới bảo đảm an sinh xã hội, góp phần trao truyền, lưu giữ bản sắc, hồn cốt dân tộc.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Giữ lửa” cho những làn điệu hát ru, hát dân ca