Không gian yên tĩnh, cảnh đẹp hài hòa và lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý từ cuộc sống đời thường - chùa Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) hiện mang nét đẹp khác biệt.
Đường từ làng dẫn vào chùa Nghi Khê gây bất ngờ với du khách bởi được trải dài bằng những phiến đá xanh. Càng đi gần vào trong chùa, con đường càng hút mắt hơn bởi hai hàng chum, vại, trục đá... được trang trí bên đường. Có lẽ rất ít ngôi chùa có con đường đi vào đặc biệt như chùa Nghi Khê.
Đại đức Thích Thanh Hải trụ trì chùa Nghi Khê từ năm 2007. Theo chia sẻ của Đại đức, chùa Nghi Khê được xây dựng vào thế kỷ XVII theo kiến trúc nội cung ngoại quốc. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ tướng quân Nguyễn Đình Thiêm, là người con quê hương sống vào thế kỷ XVII. Chính điện được làm bằng gỗ tứ thiết nhưng các cột của 20 gian giải vũ lại được làm bằng đá lim xanh Thanh Hóa. Sự khác biệt nữa là một bên cột được làm hình vuông, còn bên kia là hình tròn để thể hiện cuộc sống vẹn tròn của những người xây dựng chùa. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.
Sau khi về trụ trì tại chùa, Đại đức thấy trong làng, ngoài xã có rất nhiều gia đình vẫn còn giữ các phiến đá xưa kia dùng lát đường đi, cối đá, trục lúa, chum, vại gốm... nhưng lại để lăn lóc nơi bờ ao, trong bếp, cuối vườn... Với ý tưởng muốn lưu giữ những nét quê xưa cũ và tiếp tục xây dựng ngôi chùa có những nét đặc trưng, khác biệt, Đại đức đã vận động người dân ủng hộ, thu gom những vật dụng này để trong chùa.
Sau 9 năm miệt mài, đến đầu năm 2015, khi số lượng các phiến đá, chum, vại... tương đối nhiều và được nhân dân trong làng, xã đã tích cực hỗ trợ, chùa bắt đầu sửa sang. "Khó khăn nhất là thi công con đường từ cổng vào đến sân trong chùa. Các phiến đá nặng, gồ ghề nên mất nhiều thời gian, công sức vận chuyển, sắp xếp. Chúng tôi phải huy động nhiều máy móc, người có sức khỏe tốt, có chỗ phải đào sâu mới đặt được đá. Việc lựa chọn các phiến đá để xếp cho khớp nhau cũng mất nhiều thời gian", Đại đức Thích Thanh Hải cho biết.
Sau hơn 1 tháng thi công, con đường đá dài hàng trăm mét, rộng 3-5 m đã hoàn thành. Trong chùa còn trồng thêm hoa, cây cảnh trong nhiều chum, vại. Trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây xanh, hoa, giếng ngọc, nhà lá... tạo nên khung cảnh yên bình, đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa.
Để có cảnh quan chùa Nghi Khê xanh mát như hôm nay, phải kể đến sự đóng góp của đông đảo người dân xã Tân Kỳ. Chị Đỗ Thị Thu Hường, công chức văn hóa xã Tân Kỳ cho biết hưởng ứng hành động đẹp của sư trụ trì, nhiều gia đình đã chủ động mang các vật dụng đến ủng hộ chùa, trong đó 90% của người dân thôn Nghi Khê. Sau khi được kiến tạo, không gian của chùa mang một nét đẹp khác biệt so với trước đây, trở thành địa điểm nghỉ ngơi, vãn cảnh của nhiều người dân trong làng, xã, người xa quê trở về.
Là một trong những người đã hiến tặng và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ các vật dụng cho chùa, ông Nguyễn Năng Xòa, Trưởng thôn Nghi Khê cho biết việc làm của nhà chùa có ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp của làng quê. Dù những vật dụng này tồn tại từ lâu trong làng nhưng dần bị lãng quên. "Khi tập hợp lại những vật vô tri, vô giác, tưởng như không còn giá trị nữa thì lại tạo thành một công trình mới, lạ. Không chỉ làm đẹp cho chùa mà còn góp phần lưu giữ những nét văn hóa của ông cha. Chúng tôi mong công trình này được giữ gìn để giúp các thế hệ sau biết được một phần về đời sống của ông cha trước kia", ông Xòa cho biết.
THANH HÀ