Mang thai đã sắp tới ngày sinh nở, thế nhưng Huyền chỉ tăng được có 6 kg so với thể trạng trước khi mang bầu.
Mang thai muộn ở tuổi ngoài 30, nhưng nhìn Huyền vẫn tươi trẻ, rạng ngời như gái đương thời xuân sắc... Không như những bà bầu khác, bụng to vượt mặt như “gà mái mang hòm”, Huyền có dáng người nhỏ nhắn, gọn gàng, chiếc váy ôm sát cơ thể cũng chỉ để lộ cái bụng to hơn người bình thường một chút. Trong xóm, người trẻ thì khen Huyền khéo giữ dáng, người già và trung tuổi thì ái ngại lắc đầu và phán: “Chửa mà thế, lấy sức đâu mà đẻ và chăm con”...
Nguyên nhân bởi ở những tháng cuối của thai kỳ nhưng Huyền vẫn “lười ăn” như thời kỳ còn nghén. Sáng, cô vội vàng làm cốc sữa tươi rồi nhờ chồng chở ra điểm đỗ xe của công ty. Lắc lư 20 cây số đến chỗ làm việc, cốc sữa uống vào cũng vơi đi phân nửa. 4 tiếng đồng hồ trôi qua không ăn quà vặt, đến trưa, Huyền nạp năng lượng bằng nửa bát cơm và chút thức ăn. Tối về, cô cũng chỉ ăn qua loa rồi uống cốc sữa và đi ngủ.
Thương con dâu bụng mang dạ chửa lại phải đi làm xa, bà Hân, mẹ chồng Huyền mua đủ thứ để con tẩm bổ. Thế nhưng, vì sợ béo, sợ mất dáng nên Huyền đem tất cả tống vào tủ lạnh, khi hết hạn thì bỏ thùng rác. Chồng và mẹ chồng cô nhiều lần nhắc nhở về chuyện ăn uống sao cho đủ chất, đủ dinh dưỡng cho mẹ và con, tuy nhiên cô vẫn bỏ ngoài tai. Nói mãi không nghe, mọi người trong gia đình cũng đành buông xuôi.
Đi khám thai định kỳ, bác sĩ khuyên cô nên thay đổi chế độ ăn uống. Vì so với tuần tuổi, bé nhẹ cân. Nếu cứ đà này, khi sinh ra con cô sẽ bị suy dinh dưỡng, lúc ấy chăm nuôi bé sẽ rất vất vả. Huyền cũng lo lắng nhưng cô vẫn “kiên quyết” giữ chế độ ăn của mình. Huyền bảo với bạn bè đồng nghiệp: “Nếu giờ mà ăn uống tẩm bổ thì người sẽ phát phì ra mất. Như thế, sau khi sinh phải mất hàng năm trời mới lấy lại được vóc dáng như bây giờ. Mình lại làm cho công ty nước ngoài nên việc giữ dáng chuẩn rất quan trọng. Thôi thì sinh ra mình sẽ chăm bù vậy”.
Nói là như vậy nhưng những ngày Huyền mới sinh bà Hân sáng sáng đều vào bếp thổi cơm cho cô ăn để có sức khỏe và có sữa nuôi con. Nhưng vẫn sợ mất dáng nên Huyền nói với mẹ chồng để cô thích ăn gì thì tự lo. Và cách "tự lo" của cô là nhịn ăn sáng, ngủ đến 9 giờ, hôm nào bụng đói quá thì đi pha tạm bát mì tôm. Đến bữa chính cô cũng chỉ khẩy vài thìa cho dạ dày có cái co bóp.
Ăn uống thất thường nên chưa hết cữ mà bầu sữa của Huyền có vẻ “xuống cấp” trầm trọng. Mặc dù được khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhưng Huyền không thể thực hiện được. Cuối cùng, cô đành mua sữa ngoài về cho con, mặc dù con ăn sữa ngoài thường nôn trớ. Cô biện hộ: “Trẻ con bây giờ nuôi sữa ngoài còn đủ chất hơn cả sữa mẹ ấy chứ”.
Chuyện các “mẹ sề” sau sinh dùng đủ mọi cách để lấy lại vóc dáng thời nay không hiếm. Nhưng như Huyền thì quá ích kỷ, chỉ chăm lo cho bản thân, để rồi hậu quả do chính con mình gánh chịu. Giờ nhìn con còi cọc, Huyền mới ân hận. Bé Bống bị suy dinh dưỡng ngay lúc mới sinh ra, lại sớm phải ăn sữa ngoài nên cứ như cái dải khoai, hễ thay đổi thời tiết là ốm đau quặt quẹo. Mỗi tháng Huyền phải bỏ cả nửa tháng lương để thuê thêm người hỗ trợ bà Hân chăm sóc cháu mà vẫn bị chồng và mẹ chồng chỉ trích.
LÊ THI