Tình yêu ca trù của nhiều bạn trẻ ở huyện Bình Giang đang góp phần "giữ lửa" cho loại hình âm nhạc truyền thống dần bị mai một này.
Nhà ông Trần Văn Thả ở thôn Phú Đa, xã Hồng Khê là nơi tụ họp của các thành viên Câu lạc bộ Ca trù Bình Giang
Từ biết đến say
Trong một ngày cuối năm mưa phùn giá rét, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Thả ở thôn Phú Đa, xã Hồng Khê. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy âm thanh trầm đục của đàn đáy, tiếng nhịp phách réo rắt, rồi những giọng hát trong trẻo cất lên. Đó là giọng ca của em Trần Thị Thanh Trúc (sinh năm 2007) và Trần Thị Bạch Dương (sinh năm 2011), là 2 cháu nội của ông Thả. Điều ấn tượng là cả 3 ông cháu cùng biểu diễn ca trù. Hình ảnh ông đàn, cháu hát không chỉ gây ấn tượng đối với mọi người mà còn thể hiện sự tiếp nối tình yêu nghệ thuật truyền thống giữa các thế hệ trong cùng một gia đình.
Ông Thả vốn là người am hiểu, biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, giỏi hát chèo nhưng trước đây ông chưa từng hát ca trù. Năm 2017, khi được tham gia lớp học ca trù do huyện tổ chức, ông đã bị những làn điệu ca trù mê hoặc. Sau khi hoàn thành khóa học, hằng ngày ông vẫn miệt mài tập luyện, sưu tầm băng đĩa, tài liệu rồi tự học thêm. Lớn lên trong bầu không khí thấm đẫm tình yêu nghệ thuật của ông nội nên ngay từ nhỏ, Trúc và Dương đã được tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Khi được học về ca trù, hai em đều hào hứng và tiếp thu rất nhanh. Trúc cho biết: "Em và em gái đều rất thích nghe ca trù. Em thấy khó nhất là học phách, nhưng giai điệu ca trù lại rất êm ái và hay. Ngoài giờ học văn hóa, hai chị em đều dành thời gian học hát ca trù". Trúc mong sau này có thể trở thành cô giáo dạy ca trù. Hiện nay, Trúc và Dương đều là những thành viên măng non của Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Bình Giang.
Làm nghề kinh doanh buôn bán nhưng anh Nguyễn Công Phi (sinh năm 1983, ở xã Thái Học) lại có tình yêu đặc biệt với nhạc cụ dân tộc. Cách đây 1 năm, anh biết đến chiếc đàn đáy qua một người thầy truyền dạy nhạc cụ ở trong huyện. Từng biết chơi đàn tam, đàn nhị... nhưng anh Phi chưa từng một lần chơi đàn đáy. Ban đầu, anh chỉ tò mò muốn biết thêm một loại nhạc cụ dân tộc, nhưng rồi đã bị chính thứ thanh âm trầm đục ấy lôi cuốn. Anh Phi cho biết: “Càng học càng thấy lời ca, nhịp phách, tiếng đàn như ngấm vào mình”. Dù hằng ngày bận rộn công việc mưu sinh, anh Phi vẫn tham gia vào CLB Ca trù Bình Giang và thường lên mạng để tìm hiểu thêm về ca trù.
Cần nguồn "chắp cánh"
Tháng 10. 2009, UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc giữ gìn và phát huy loại hình này, nhất là trong lớp trẻ cần được quan tâm và đẩy mạnh. Nhưng hiện nay, không ít gia đình có con em yêu thích ca trù lại không muốn cho theo học môn nghệ thuật này, một phần vì sợ ảnh hưởng đến việc học văn hóa, một phần do nhận thức về ca trù còn hạn chế. Nhiều người trẻ muốn học, theo đuổi đam mê ca trù nhưng lại không có những lớp đào tạo chuyên nghiệp. Dạy ca trù hiện vẫn phổ biến theo kiểu truyền miệng trực tiếp thầy - trò mà không có giáo trình, giáo án...
So với những khó khăn chung trong việc bảo tồn và "chắp cánh" cho nghệ thuật ca trù thì huyện Bình Giang đang có nhiều thuận lợi. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bình Giang khẳng định: "Văn hóa truyền thống vẫn có sức hấp dẫn riêng, trong đó có ca trù. Chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm phải bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa ấy. Huyện có những người trẻ yêu thích, muốn gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Họ chính là những người sẽ giữ lửa cho ca trù trong tương lai".
Nhờ tập hợp được những người đam mê nghệ thuật ca trù và xây dựng đủ thành phần như đào, kép, trống chầu, UBND huyện Bình Giang đã thành lập CLB Ca trù Bình Giang vào tháng 11.2017. CLB gồm 10 thành viên, trong đó có cả những người trẻ tuổi, trung niên đến từ nhiều xã trong huyện như Hồng Khê, Thái Học, Tân Việt, Cổ Bì, Vĩnh Tuy. Ông Thả hiện là chủ nhiệm và nhà ông cũng chính là nơi sinh hoạt của CLB. Hằng tuần, CLB duy trì sinh hoạt đều đặn, là dịp để các thành viên gặp gỡ, trao đổi về cách đàn, hát và biểu diễn cho nhau nghe. Chẳng cần quần áo, phấn son cầu kỳ, những thành viên đến đây chỉ với lòng đam mê, nhiệt huyết. Ông Thả cho biết: “Dù mới đi vào hoạt động nhưng CLB nhận được nhiều sự quan tâm từ huyện, tỉnh. Nhưng muốn duy trì, phát triển ca trù thì CLB cần được đầu tư thêm các nhạc cụ. Huyện nên thường xuyên tổ chức tập huấn, mời những nghệ nhân của tỉnh về giảng dạy để nâng cao kiến thức cho các thành viên trong CLB. Đồng thời, cần phát hiện ra những người trẻ mê ca trù để tập hợp vào CLB”. Anh Phi cũng bày tỏ: "Tôi chỉ mong muốn sẽ có thêm những lớp học, cuộc thi về ca trù để những người trẻ yêu mến ca trù có thể trau dồi và học hỏi thêm".
THẢO NGUYỄN