“Gió Trương Chi" là tập truyện in thành sách của nhà văn Phan Đình Minh. Tác giả sinh 1959, nguyên quán ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng).
“Gió Trương Chi" là tập truyện in thành sách của nhà văn Phan Đình Minh. Tác giả sinh 1959, nguyên quán ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng). Ông vốn là kĩ sư điện tử, từng khoác áo lính sang chiến trường Campuchia, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Hậu cần Công an nhân dân, hiện sống và viết tại Hà Nội. Phan Đình Minh đã gặt hái nhiều giải thưởng văn chương như giải Báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, Cây bút vàng... Ông đã có những tập truyện ngắn được xuất bản như: Ra phố, Nơi dòng sông nghẹn, Biển không có dã tràng, Đò ơi đi lại, Nút Send.
Phan Đình Minh viết thong thả, nghiền ngẫm, sau 16 năm mới lại in tập truyện tiếp, đó là “Gió Trương Chi” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa truyền thông Liên Việt phát hành. Tập sách gồm 16 truyện, 280 trang, hầu hết các truyện ngắn đều đã in trên các báo, tạp chí... Với giọng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, ám ảnh, tập truyện “Gió Trương Chi” thể hiện những trải nghiệm, suy tư chất chứa về tình người, cũng như thể hiện nỗi lòng trắc ẩn về cuộc sống con người.
“Bánh cuốn Tám Rì” là truyện ngắn gây nhiều ấn tượng với bạn đọc khi xuất hiện trên báo Văn Nghệ trong cuộc thi truyện ngắn 2015-2017. Câu chuyện dẫn người đọc đến thị trấn Cẩm Đoài, nơi có món quà ngon nhất, đó là bánh cuốn Tám Rì của vợ chồng người Hoa (nhưng thực ra chỉ là ông chồng và đàn con) để từ đó mở ra câu chuyện về tình bạn giữa nhân vật “tôi” và cậu con trai nhà này, thằng Thuộc, người Việt gốc Hoa, với những sự lệch pha từ ý thức, tính cách, văn hóa dù đã muốn cũng không thể dung hòa... Vật đổi sao dời, ông chồng và đàn con nhà Tám Rì đã về nước, còn bà vợ vẫn ở lại cho đến khi mất, món bánh ngon được truyền lại cho cô Doan - người con nuôi tốt nết.
“Gió Trương Chi” - một truyện ngắn và cũng được tác giả lấy là tựa đề của tập sách có cách kể chuyện linh hoạt, tự nhiên, gieo trắc ẩn vào lòng người đọc. Người cha trong truyện là một nhạc sĩ thuộc “diện quý tướng” nhưng mãi vẫn không có tên tuổi, không tiền bạc, không chức vụ. Ông có người vợ đẹp đã qua một đời chồng, mở quán cà phê. Một vị khách là chủ thầu xây dựng cứ nhằm lúc ông nhạc sĩ đi vắng lại đến ngồi uống cà phê và rút những tờ tiền có mệnh giá cao để trả. Là người nhạy cảm nhưng ông cũng đành bất lực trước người vợ sắc sảo. Ông cùng với dàn nhạc giao hưởng tập dựng tác phẩm giao hưởng “Gió Trương Chi” mấy tháng trời chỉ để biểu diễn bốn mươi phút. Ông nhạc sĩ đã dồn hết tâm lực để tập, mong sẽ là bản giao hưởng hoành tráng. Rồi ông đã đi tìm và đưa hài cốt cậu em vợ về, dù bà vợ dặn từ từ mới cho về quê vì còn đang chuyển nghĩa trang, ông đã đưa về nhà mình, bà vợ nhìn thấy đã kêu rú lên. Cái tình của ông với anh hùng liệt sĩ, với em vợ, mới đáng trọng biết bao. Cái tình của người con gái với cha, với nghệ thuật càng đáng trọng. Buổi ra mắt “Gió Trương Chi” ít khán giả. Nhưng buổi biểu diễn cuối cùng, nhà hát đã bất ngờ chật người. Sau buổi diễn, ông nhạc sĩ phát bệnh, ông bị u não. Ông ra đi mang theo bí mật của cô con gái. Chính cô đã giấu cha rút sổ tiết kiệm mà cha mẹ dành cho cô để mua vé đến từng gia đình những người lao động bình thường tặng họ những tấm vé đi xem dàn nhạc người cha biểu diễn.
Truyện “Cha tôi-kép Cúc” mở truyện là cái chết của kép Cúc, rồi từ đó mở ra câu chuyện tình tay ba éo le giữa hai người con trai cùng yêu một người con gái trong đội tuồng của làng, để rồi, ai cũng sống trong day dứt, giày vò. “Bay trong tuyết trắng” là một câu chuyện tình yêu trong sáng đến thánh thiện khi người phụ nữ vì yêu mà giấu giếm, che đậy tình cảm, mà phải xa cách ngàn trùng, để có thể lao động, học tập, nghiên cứu, mong muốn tìm mua thuốc gửi về cho người mình yêu chữa bệnh tự miễn. Đến “Phần mềm”, “Sẻ cụt ngón bay đi”, “Bệnh tự miễn”... mỗi truyện ngắn đều có một sức cuốn hút đến mê hoặc người đọc. Truyện nào cũng ngồn ngộn chi tiết, nhiều chi tiết độc đáo, bất ngờ gây ám ảnh người đọc. Chữ trong văn Phan Đình Minh thì như nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét: “Nhiều chữ đắc địa, tươi giòn, độc đáo, mẩy. Phan Đình Minh có nhiều chữ đẹp, không phải thứ uốn éo làm duyên, làm xiếc, mà nó hừng hực đời sống”. Đọc “Gió Trương Chi” sẽ thấy đó là ngọn gió lạ thổi đến giữa văn đàn hiện nay.
CẨM DƯƠNG