Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 với sự kiện chính tắt đèn trong 1 giờ sẽ diễn ra vào tối 23/3.
Tại Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương kêu gọi công chúng hưởng ứng với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero”. Nhiều sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì mục tiêu chung của Việt Nam.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên chính thức giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank) với kỳ vọng có thể nhận ít nhất 10.000 giờ ủng hộ Trái đất từ người dân Việt Nam. Theo đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Ngân hàng thời gian cho phép người dùng khám phá hoạt động phù hợp với bản thân trên 6 lĩnh vực là thực phẩm; thể thao và sức khỏe; giải trí; nghệ thuật và sáng tạo; bền vững; thiên nhiên. Mỗi cá nhân có thể đồng thời thực hiện nhiều hoạt động hữu ích cho Trái đất, lan tỏa thông điệp tích cực tới cộng đồng từ các sở thích và lối sống hàng ngày.
Bằng cách truy cập trang Ngân hàng thời gian của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, với mỗi lượt truy cập và đăng ký/hoàn thành một hoạt động, hệ thống sẽ ghi nhận thời gian mỗi người đóng góp cho Trái đất. Tổng số thời gian mỗi quốc gia đăng ký trong Hour Bank và bảng xếp hạng toàn cầu sẽ được công bố trên trang web Giờ Trái đất Quốc tế sau chiến dịch.
Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam chia sẻ, Giờ Trái đất là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm. Bên cạnh hành động tắt đèn, mỗi người có thể làm nhiều điều thiết thực để bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất.
Mỗi hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày có thể mang lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là thông điệp của Câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường Save Viet Nam - We Are One (thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận Chất lượng và Môi trường VINASEP Việt Nam) qua chiến dịch Thử thách tiết kiệm điện.
Chiến dịch gồm 3 thử thách: sử dụng thang bộ; tắt nguồn điện khi không sử dụng và tắt màn hình khi không sử dụng.
Thử thách đầu tiên đã thu hút được nhiều người dân trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân tham gia, đặc biệt là thanh niên công sở - những người thường xuyên sử dụng thang máy. Mục tiêu của thử thách là sử dụng thang bộ thay cho thang máy nhiều lần nhất có thể nhằm giúp người tham gia nâng cao thể chất, tránh phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ.
Thử thách tắt nguồn điện khi không sử dụng có 700 người đăng ký tham gia chỉ trong 3 ngày. Nỗ lực trong công tác tuyên truyền, các tình nguyện viên đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về việc tiêu tốn điện năng nếu không ngắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng.
Với thử thách tắt màn hình khi không sử dụng, lượt đăng ký tham gia và ủng hộ đạt gần 500 người.
Cả 3 thử thách không chỉ giúp tiết kiệm lượng lớn điện năng tiêu thụ, giúp giảm chi phí sử dụng điện cho người tham gia mà còn đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường.
Mới đây, Giải chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 do Bộ Công thương tổ chức đã diễn ra tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Giải thu hút gần 1.500 người, gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Công thương và các cơ quan ban ngành có liên quan; đại diện các đơn vị, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành hàng; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; người dân yêu thích chạy bộ; vận động viên đến từ một số câu lạc bộ chạy phong trào...
Giải lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen” đến với cộng đồng cùng tham gia hưởng ứng chiến dịch, thực hành tiết kiệm điện thường xuyên trong suốt 365 ngày, đưa việc tiết kiệm điện trở thành thói quen ở mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tổ chức Giải chạy với hình thức trực tuyến thông qua Ứng dụng tập luyện thể thao Uprace được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 16/3 đến hết ngày 31/3.