Việc ly hôn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường phát triển của con cái. Nhiều vụ án mà thủ phạm là những thanh thiếu niên trong gia đình bố mẹ chia tay nhau...
Tại Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng, các hồ sơ xin ly hôn ngày càng nhiều
Gần đây khi có điều kiện tiếp xúc nhiều với cán bộ ngành tòa án tôi mới được biết mỗi năm cả tỉnh có cả nghìn vụ ly hôn, tương đương với việc hàng nghìn gia đình tan vỡ, hàng nghìn đứa trẻ thiếu đi sự chăm sóc của cha hoặc mẹ.
“Căn bệnh” mới phát sinhCùng với TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, huyện Nam Sách và Kinh Môn thì huyện Cẩm Giàng luôn nằm trong nhóm đầu của cả tỉnh về số vụ ly hôn. Từ đầu năm đến hết tháng 9 vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện đã thụ lý và giải quyết tới 129 vụ ly hôn.
Thử làm một phép tính đơn giản, mỗi năm, mỗi huyện, thành phố, thị xã có 120 vụ ly hôn thì toàn tỉnh sẽ có khoảng hơn 1.400 gia đình ly tán và cũng sẽ có ít nhất từng ấy đứa trẻ sẽ sống thiếu cha hoặc mẹ. Các cán bộ ngành tòa án cho biết số vụ ly hôn đã và đang tăng dần đều, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cách đây hơn chục năm, nhiều người còn bàn tán râm ran, thậm chí dè bỉu về chuyện bỏ vợ, bỏ chồng của ai đó, nhưng nay thì không. Nghĩa là, nhiều người đã nhìn nhận và chấp nhận chuyện ly hôn như một lẽ thường tình. Cùng với sự phát triển mọi mặt của xã hội, nhịp sống bây giờ gấp gáp hơn, với nhiều lo toan, toan tính nên cũng ảnh hưởng ít nhiều tới truyền thống gia đình và đạo nghĩa vợ chồng.
Theo phân tích của một số cán bộ ngành tòa án, qua thụ lý, giải quyết các vụ ly hôn cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn hầu hết do các mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống thường ngày. Đó là, không hợp nhau về tính cách, không chung quan điểm sống, vợ chồng khác nhau về mục tiêu, lý tưởng. Việc nguyên đơn hoặc bị đơn vướng vào các loại tệ nạn, như cờ bạc, rượu chè, ngoại tình… dẫn tới ly hôn không nhiều. Các đôi vợ chồng ở độ tuổi từ 18 đến 40 chiếm khoảng 80% tổng số vụ ly hôn. Khoảng 80% số cặp vợ chồng ly hôn đã có từ 1 đến 2 con.
Tình trạng các cặp vợ chồng trẻ ly hôn xuất hiện ngày càng nhiều, chủ yếu do nhận thức, nhìn nhận của những người này về cuộc sống gia đình còn nhiều hạn chế, không lường trước được những khó khăn, phức tạp khi xây dựng gia đình. Rất nhiều trường hợp quen nhanh, cưới nhanh và ly hôn nhanh.
Một nữ cán bộ Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng cho biết, gần đây đã thụ lý nhiều vụ ly hôn có “tuổi thọ” ngắn kỷ lục. Vụ ly hôn của cặp vợ chồng Trần Thị Tâm, Đỗ Văn Khương (ở Đồng Khê, Lương Điền) là một ví dụ. Nguyên đơn là chị Tâm. Vợ chồng chị kết hôn từ 17-11-2010 nhưng đến 7-9-2011 đã làm thủ tục ly dị. Hoặc vụ Nguyễn Văn Sanh (sinh năm 1985, ở xã Cẩm Định) đề nghị ly dị vợ là Nguyễn Thị Mến (sinh năm 1989). Đôi vợ chồng này đăng ký kết hôn từ 25-10-2010, đến 1-9-2011 đã làm thủ tục ly hôn. Cá biệt, có những trường hợp các đôi vợ chồng sống với nhau “đầu bạc, răng long” theo đúng nghĩa nhưng vẫn nhất quyết ly hôn, mặc cho con, cháu ra sức can ngăn. Ví dụ như vụ việc của ông Phạm Văn Phiêu (sinh năm 1940, ở xã Đức Chính) xin ly hôn vợ là bà Nguyễn Thị Chăm, (sinh năm 1950); vụ ông Phạm Văn Ẩn (sinh năm 1945) xin ly hôn bà Vũ Thị Bột (sinh năm 1954).
Phân tích của ngành tòa án cho thấy, có khoảng 85% số vụ ly hôn là của các đôi vợ chồng làm nghề tự do, còn lại là các thành phần khác, số vụ ly hôn trong giới trí thức chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cũng theo phân tích này, ngược lại với giới trí thức, người làm nghề tự do ít chịu sức ép của dư luận bên ngoài, của đồng nghiệp nên dễ tiến hành ly hôn hơn.
Khó tìm “thuốc” chữa và hậu quả nặng nềTrong số các vụ ly hôn tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh, số vụ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ (do nguyên đơn rút đơn hoặc do sức khỏe chưa thể tiếp tục) chiếm số lượng rất nhỏ. Theo tổng hợp của ngành tòa án, số vụ việc ly hôn được thẩm phán tổ chức hòa giải thành công chỉ chiếm khoảng 2%. Có thể thấy khi nguyên đơn đã đến tòa làm thủ tục ly hôn vợ hoặc chồng nghĩa là đã không thể sống chung dưới một mái nhà, mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm. Khi đó, việc hòa giải hầu như chỉ còn là thủ tục.
Theo quy định của pháp luật, các thẩm phán đều phải trải qua lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, trong đó có phần học về hòa giải. Nghĩa là, các thẩm phán sẽ lắng nghe nguyên đơn và bị đơn trình bày điều kiện kết hôn, quá trình phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Thẩm phán cùng nguyên đơn và bị đơn sẽ cùng tìm câu trả lời xem có biện pháp nào để giải quyết mâu thuẫn đó không. Sau đó thẩm phán sẽ phân tích nguyên nhân mâu thuẫn. Liệu có phải do cái tôi, lòng tự ái của vợ hoặc chồng quá lớn gây ra mâu thuẫn không đáng có, không thể hàn gắn được để dẫn đến tan vỡ hay không? Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, thẩm phán sẽ chuyển sang đánh vào tâm lý, tình cảm của vợ hoặc chồng với mục đích một trong 2 người (đặc biệt là nguyên đơn) nhìn nhận lại sự việc và gạt bỏ mối bất hòa, quay về sinh sống cùng gia đình. Trong đó, thẩm phán sẽ phân tích hậu quả của việc ly hôn sẽ ảnh hưởng thế nào đến dư luận xã hội, sức khỏe, sự suy nghĩ, buồn bã của người thân. Đặc biệt, việc ly hôn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường phát triển bình thường của con cái. Việc sống thiếu bố hoặc mẹ sẽ khiến đứa trẻ lệch lạc trong suy nghĩ, ảnh hưởng về lâu dài, mặc cảm với những người xung quanh, thậm chí dễ sa vào các tệ nạn xã hội, phạm pháp hình sự.
Bản chất của ly hôn có cả tích cực và tiêu cực. Tích cực là khi vợ hoặc chồng cảm thấy cuộc sống tù túng, bó buộc, thậm chí bị bạo hành về tâm lý, thể xác thì nên tiến hành ly hôn để giải thoát cho nhau và tìm cuộc sống mới hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, những tiêu cực (hậu quả) của ly hôn vẫn nặng nề hơn cả. Đó là, những trắc trở trong cuộc sống, ảnh hưởng công việc, gia đình, đặc biệt là hậu quả để lại cho con cái. Do đó, tìm hiểu kỹ càng về bản thân, gia đình, hoàn cảnh rồi mới tiến tới hôn nhân vẫn là biện pháp hợp lý nhất để tránh ly hôn. Trong cuộc sống hằng ngày, cả vợ và chồng cần hỗ trợ, chia sẻ nhau, dẹp bỏ cái tôi, cái tự ái hẹp hòi, ích kỷ thì mới vun vén gia đình để tìm được tiếng nói chung và chung sức nuôi dạy con cái trưởng thành.
TIẾN HUY