Siết chặt quản lý ô tô kinh doanh vận tải

22/09/2022 10:13

Từ tháng 9 này, hoạt động kinh doanh vận tải sẽ bị siết chặt hơn nhằm mục đích hạn chế việc lợi dụng dịch vụ vận chuyển, xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải khách...

Theo quy định mới, xe kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera. Trong ảnh: Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra xe ô tô chở khách


Bắt đầu từ tháng 9, hoạt động kinh doanh vận tải sẽ bị siết chặt hơn do phải chấp hành nhiều quy định mới khắt khe về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Phớt lờ quy định mới

Gia đình con gái sinh sống ở TP Uông Bí (Quảng Ninh) nên thỉnh thoảng bà Phạm Thị Mai ở huyện Ninh Giang vẫn gửi đồ ở quê cho các con. Bà Mai cho biết trước đây việc gửi gạo, rau quả bằng xe khách được thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng. Dù không có giấy tờ, thủ tục giao nhận nhưng chưa lần nào hàng gửi đi bị thất lạc, thời gian vận chuyển cũng khá nhanh. Trên những thùng hàng gửi đi, bà Mai chỉ cần ghi tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận là hàng sẽ được vận chuyển đến đúng nơi.

Việc gửi hàng qua xe khách tiện lợi, đơn giản, giá rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Nhưng hình thức ký gửi này cũng tồn tại một số vấn đề như khó kiểm soát trong hàng hóa ký gửi có chất dễ gây cháy nổ hoặc hàng cấm... hay không? Hoặc trong quá trình vận chuyển, nhiều nhà xe làm vỡ, hỏng, thất lạc đồ của khách... 

Để kiểm soát hàng hóa ký gửi xe ô tô, Nghị định 47/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.9.2022 bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe nhân viên phục vụ trên xe khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của cả người gửi và người nhận. 

Ông Lê Đình Biên, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải cho biết việc cung cấp các thông tin trên nhằm mục đích hạn chế việc lợi dụng dịch vụ vận chuyển của xe khách để gửi hàng lậu, hàng cấm. Trường hợp phát hiện vi phạm thì cũng có căn cứ để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này khi triển khai. Nếu người gửi không cung cấp đầy đủ các thông tin khi ký gửi hàng bằng ô tô thì sao? Hơn nữa, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chưa sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới của Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Do đó, vi phạm của các bên liên quan (bên gửi đồ, nhận đồ và vận chuyển) chưa có căn cứ xử lý.

Thực tế, dù đã có hiệu lực từ đầu tháng 9, nhưng khi được hỏi về việc phải cung cấp số thẻ căn cước công dân khi gửi hàng hóa bằng xe khách, nhiều người dân như bà Mai vẫn chưa nắm được. Nhà xe cũng không yêu cầu người gửi phải cung cấp các thông tin theo Nghị định 47 mà vẫn nhận vận chuyển hàng như cũ.  

Từ ngày 1.9.2022, khi gửi hàng hóa qua xe khách người dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa, cá nhân người gửi và nhận hàng (ảnh minh họa)


Không cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine chở khách

Những năm qua, chiếc xe khách mini dưới 10 chỗ ngồi, thường được gọi là xe limousine được nhiều người ưa chuộng. Trong số này, nhiều xe được hoán cải từ xe chở khách 16 chỗ hết niên hạn sử dụng xuống còn 10 chỗ. Do lợi thế đầu tư ít, lại dễ đi vào ngõ ngách đô thị, xe khách trá hình đã tranh “đất sống” của nhiều xe khách tuyến cố định... 

Nghị định 47/2022/NĐ-CP quy định: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả chỗ của lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.  

Theo anh Phạm Thành Giang, Bến trưởng Bến xe Hải Tân (TP Hải Dương), tại Hải Dương không có nhiều xe limousine chạy, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài chiếc bắt khách dọc đường. Xe "100” mới là đối thủ cạnh tranh khó khăn nhất đối với các hãng taxi, xe buýt, xe chạy cố định của Hải Dương. Tuy nhiên, quy định mới cấm xe hoán cải xuống dưới 10 chỗ vận chuyển khách vẫn được giới kinh doanh vận tải khách đánh giá cao, coi đây là biện pháp nhằm xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải khách. 

Ngoài ra, Nghị định 47/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định từ ngày 1.7.2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại nghị định này. 

Nghị định 47/2022/NĐ-CP ngày 19.7.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.1.2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định 47 sửa đổi, bổ sung 12 điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2022.

HN

(0) Bình luận
Siết chặt quản lý ô tô kinh doanh vận tải