Những nhà giáo tâm huyết với nghề: Cô giáo bồi dưỡng giáo viên

15/11/2022 09:30

Cô là 1 trong 3 giáo viên được đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen giai đoạn 1982-2022.

>>> Những nhà giáo tâm huyết với nghề: Người ươm những mầm xanh

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cô Nguyễn Thị Kha vẫn nghiên cứu tài liệu, sách báo bổ sung thêm kiến thức

Trong gần 34 năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Kha (sinh năm 1960), nguyên giáo viên Trường Tiểu học Thạch Khôi (TP Hải Dương) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô là một trong 3 giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen giai đoạn 1982-2022.

Là đồng nghiệp gắn bó với cô giáo Nguyễn Thị Kha 20 năm, cô Phạm Thị Nam, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) luôn coi cô Kha là tấm gương sáng để noi theo. “Tôi được cô Kha tận tình chỉ bảo rất nhiều về chuyên môn nghiệp vụ. Cô đã giúp đỡ tôi thiết kế bài giảng, chỉnh sửa cách dạy, cách nói, tác phong khi đứng trên bục giảng. Đặc biệt nhờ sự chỉ bảo tận tình đó, năm học 2002 -2003 tôi được giải nhất trong cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh cấp tiểu học, được dự thi cấp quốc gia vào năm 2003- 2004 và giành giải ba", cô Nam nói.

Hơn 40 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành sinh học, cô Kha được phân công về Trường THCS Gia Khánh (Gia Lộc) giảng dạy. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Kha còn làm Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên của trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào Đoàn, Đội của trường phát triển. Tiêu biểu nhất là phong trào "Sao nhi đồng" với các hoạt động thiếu niên dạy học cho nhi đồng về kỹ năng sống biết chăm sóc bản thân, giúp đỡ bạn bè, bố mẹ... Dưới sự phụ trách của cô Kha, phong trào Đoàn ở Trường THCS Gia Khánh trở thành điểm sáng, được Tỉnh đoàn, Trung ương đoàn khen thưởng.

Sau 9 năm gắn bó với Trường THCS Gia Khánh, cô Kha được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Thạch Khôi (khi đó cùng huyện Gia Lộc). Nhận nhiệm vụ mới, cô Kha vừa vui mừng nhưng cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở. "Tôi sẽ được thử sức ở một lĩnh vực mới nhưng cũng rất lo lắng bởi không có chuyên môn về giáo dục tiểu học", cô Kha nói. Để bổ sung kiến thức phù hợp với môi trường làm việc mới, cô Kha đã tích cực dự giờ đồng nghiệp, đọc thêm sách báo chuyên ngành, sách hướng dẫn... Nhờ đó, cô đã có lượng kiến thức phù hợp với việc dạy học sinh tiểu học. Sau 2 năm miệt mài học tập, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, cô Kha được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao trọng trách ôn thi học sinh giỏi môn toán của trường. Bằng sự sáng tạo trong cách giảng dạy, hướng dẫn cụ thể trong từng bài giải, cô Kha đã có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cùng với 2 thầy cô khác, cô Kha thường xuyên ôn cho học sinh giỏi của huyện Gia Lộc và đã giành được giải trong các cuộc thi Rung chuông vàng, Toán học tuổi thơ... cấp quốc gia.

Là một giáo viên có uy tín, cô Kha được giao nhiệm vụ là thanh tra viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc. Cùng với thanh tra viên khác, cô thường xuyên đi kiểm tra giờ dạy của giáo viên trong huyện để tư vấn, hướng dẫn phù hợp với mỗi bài giảng. Đặc biệt, cô Kha được tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đi thi giáo viên giỏi và giành được nhiều giải ở cấp tỉnh, cấp quốc gia. Để giành được thứ hạng cao, cô Kha phải tổ chức thiết kế bài giảng, dự giờ dạy, sau đó đưa ra nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm và cùng với giáo viên đó chỉnh sửa cho phù hợp. Không chỉ góp ý về chuyên môn cho đồng nghiệp, cô còn chỉ bảo từ cách nói, đi đứng, tác phong trên bục giảng. Trong quá trình hướng dẫn, cô Kha phải tìm được ưu điểm, phát huy thế mạnh của từng giáo viên trong từng bài giảng thì mới giành được thứ hạng cao. 

Cô giáo Nguyễn Thị Kha (thứ nhất hàng trên, bên trái) cùng các giáo viên trong Hội Cựu giáo chức phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) luyện tập văn nghệ cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 sắp tới

Trong gần 34 năm công tác, cô giáo Kha luôn tìm tòi, sáng tạo để đưa ra cách giảng dạy mới, phù hợp, phát huy tính tích cực của học sinh bằng cách viết các sáng kiến kinh nghiệm. Đến khi nghỉ hưu, cô Kha đã có 20 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp huyện, cấp tỉnh công nhận. Nổi bật là sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy kiến thức về số thập phân; sáng kiến về phương pháp giúp học sinh khá, giỏi làm tốt bài toán mở rộng nâng cao khi biết tổng và hiệu... giúp học sinh vận dụng vào làm bài tập được dễ dàng, nhanh hơn.

Trong suốt quá trình công tác, cô Kha đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Năm 2006, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Năm 2015, sau khi nghỉ hưu, cô giáo Kha tiếp tục tham gia các công tác về giáo dục tại địa phương với vai trò Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Thạch Khôi. Cô thường xuyên cùng cựu giáo chức tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo hoạt động giáo dục, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tình nghĩa trong hội. Trong 2 năm 2019 - 2020, cô còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong phường, con em xa quê đóng góp sách vở, bút mực tặng học sinh các tỉnh miền Trung gặp khó khăn.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nhà giáo tâm huyết với nghề: Cô giáo bồi dưỡng giáo viên