Hoạt động giáo dục trải nghiệm tại nhiều trường học hiện thu hút rất nhiều học sinh tham gia, giúp các em phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, nâng cao kỹ năng sống...
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) trải nghiệm cách làm đồ gốm tại Bảo tàng tỉnh
Mấy năm gần đây, hoạt động giáo dục trải nghiệm (GDTN) được các trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm hơn. GDTN tạo ra không khí học tập mới, giúp học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, nâng cao kỹ năng sống cho các em.
Nhiều cách làm hay
Vài năm nay, tiết chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) không còn đơn điệu, tẻ nhạt như trước. Thay vào đó là sự hào hứng, chủ động nhập cuộc của học sinh. Sự thay đổi này là do trường đã mạnh dạn đổi mới cách thức tổ chức. Nhà trường xây dựng từng chủ đề phù hợp với nội dung năm học, các ngày kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước. Trong đó tập trung vào giáo dục truyền thống, trang bị cho học sinh kỹ năng về phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống... Nội dung của các chủ đề đều được tập thể học sinh thể hiện với nhiều hình thức sinh động như diễn thuyết, sân khấu hóa, trò chơi.
Em Nguyễn Xuân Bắc, lớp 10C, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: "Buổi chào cờ tuần học thứ 23 vừa qua, lớp chúng em được giao thực hiện chủ đề Tuổi trẻ học đường phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội. Cả lớp đã họp bàn để lên ý tưởng và thống nhất nội dung, hình thức tổ chức. Sau đó, lớp chia thành 4 tổ, mỗi tổ vẽ một bức tranh và viết lời bình". Ngoài ra, trong năm, trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm khác để giáo dục toàn diện cho học sinh như đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Từ đầu năm học 2017 - 2018 đến nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Hải Dương đã áp dụng phương pháp giáo dục linh hoạt. Trước đây, kiến thức được truyền đạt cho học sinh chủ yếu là lý thuyết, qua mô hình, công thức trên lớp. Nhưng hiện nay, trên cơ sở chương trình, nội dung của từng môn, từng tiết học, giáo viên sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Học sinh được trực tiếp ra ngoài để tìm hiểu về cây cối, con vật, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Học sinh cũng được trực tiếp thực hành nấu ăn, khâu vá, làm đồ dùng... Nhiều tiết GDTN, nhà trường mời cả phụ huynh học sinh cùng tham gia để nắm bắt được việc dạy học của nhà trường, từ đó có thêm kỹ năng, kinh nghiệm giáo dục con em.
Chơi mà học
So với lối dạy lý thuyết truyền thống với không gian gò bó trong lớp học thì hoạt động GDTN được học sinh hưởng ứng nhiệt tình hơn hẳn. Bởi tham gia các hoạt động GDTN, các em được vừa học, vừa chơi, tự mày mò, thử nghiệm.
Trường Mầm non Hoa Linh (TP Hải Dương) thường xuyên cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm ở trong và ngoài tỉnh. Trong ảnh: Trẻ tham gia trồng cây tại Trang trại giáo dục Erahouse (Hà Nội)
Một trong những hoạt động thu hút được hầu hết học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự là dã ngoại, nhất là học sinh lớp 12. Khi đến thăm một số cơ sở sản xuất, nhà hàng trên địa bàn, học sinh được thử vào vai những công nhân, người phục vụ. Các em còn được nghe các doanh nhân chia sẻ những gian nan, thăng trầm trên con đường đi đến thành công. Qua đó, học sinh thấy được nỗi vất vả trong mỗi công việc và hiểu rằng muốn làm việc gì cũng phải có kiến thức, kinh nghiệm, sự kiên trì, chịu đựng khó khăn. Ðây là hoạt động rất có ý nghĩa giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Em Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: "Qua những lần đi thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, chúng em có thêm kiến thức thực tế, là cơ sở để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình trong tương lai".
Những hoạt động trải nghiệm không chỉ trang bị kiến thức mà còn giúp học sinh nâng cao kỹ năng quan sát, thực hành, tư duy sáng tạo. Nhờ tích cực tổ chức các hoạt động GDTN nên nhiều năm nay, Trường THCS Quyết Thắng (Thanh Hà) có nhiều dự án tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh và đoạt giải cao. Qua các tiết thực hành, thí nghiệm ở môn vật lý, hóa học, học sinh đã nghĩ ra cách xử lý nguồn nước thải bằng than hoạt tính. Quan sát việc sử dụng thang dây của thợ sơn, học sinh sáng tạo ra thang dây để người cao tuổi khi ốm đau tự ngồi, đứng dậy được... Cô giáo Vũ Thị Thủy, giáo viên dạy môn vật lý Trường THCS Quyết Thắng nói: "Ðể đưa hoạt động trải nghiệm vào tiết dạy, giáo viên phải chuẩn bị công phu hơn. Ngoài đồ dùng có sẵn của nhà trường, giáo viên còn phải nghiên cứu tài liệu, làm thêm dụng cụ để học sinh có điều kiện thực hành, thí nghiệm".
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo đánh giá hoạt động GDTN là hướng đi đúng của các nhà trường, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Hoạt động này khẳng định phương châm của ngành là lấy học sinh làm trung tâm, chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thời gian tới.
DANH TRUNG