Ý kiến trái chiều đề xuất cần có điều luật riêng về triết lý giáo dục

06/01/2019 08:57

GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý giáo dục và nó phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Giáo dục.


Toàn cảnh tọa đàm bàn về triết lý giáo dục với sự tham dự của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ý kiến này được GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đưa ra tại tọa đàm “Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục (sửa đổi)" được tổ chức vào ngày 5.1. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện Đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại” do GS-TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm đề tài.

Nhiều tranh cãi về triết lý giáo dục

Theo GS Trần Ngọc Thêm, thời gian qua có nhiều bàn luận, thậm chí tranh cãi liên quan đến triết lý giáo dục. Người nói rằng giáo dục Việt Nam có triết lý, người lại nói không. Người thì cho rằng có triết lý nhưng triết lý giáo dục của chúng ta đang sai lầm.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, sự tồn tại của mỗi luồng ý kiến và mỗi quan niệm, tuy trái ngược nhau, nhưng đều có cơ sở nhất định.
 

 GS-TSKH Trần Ngọc Thêm

Ông phân tích, nếu triết lý giáo dục phải được đúc kết trong một câu hay vài chữ ngắn gọn, được thể hiện tường minh và được mọi người thừa nhận rộng rãi thì có thể đi đến kết luận là Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Những câu chữ mà tư tưởng dân gian đã đúc kết về giáo dục (thể hiện qua các thành ngữ, tục ngữ) chỉ đúng trong một hoàn cảnh cụ thể, một giai đoạn cụ thể.

Nếu cho rằng triết lý giáo dục phải được nhận diện qua việc quan sát hoạt động giáo dục, qua việc đánh giá sản phẩm đầu ra thì có thể đi đến kết luận là Việt Nam có triết lý giáo dục nhưng nó sai lầm. Lập luận theo hướng này là: Nếu nó đúng thì đã không xảy ra các “sự cố giáo dục” mà chúng ta đã và đang chứng kiến.

Nên có điều luật riêng về triết lý giáo dục

Cũng tại tọa đàm, theo GS Trần Ngọc Thêm, để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Việt Nam rất cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý trong Luật Giáo dục qua những điều khoản cụ thể.

“Theo đó, ta nên tách riêng một chương nói về tư tưởng triết lý, có thể đặt tên là “Mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục” - GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ.

Cũng theo ông, chương nói về triết lý giáo dục có thể bao gồm 5 điều: Mục đích (sứ mệnh); Mục tiêu; Tính chất và các nguyên lý; Nội dung và Phương pháp; Vai trò của nhà nước.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông – lại cho rằng không nên có điều luật về triết lý giáo dục. Bởi không có chương trình nào có mục về triết lý giáo dục cả.

GS Trần Kiều cũng đồng quan điểm, cho rằng không nên đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi một chương với tên cụ thể là “Triết lý giáo dục”. “Tôi thấy, chỉ cần nguyên một tên chương như vậy, tranh luận sẽ xảy ra ngay” – GS Trần Kiều nhấn mạnh.

Trong phần nêu quan điểm về triết lý giáo dục Việt Nam, GS Đặng Quốc Bảo quán triệt tư tưởng của Bác Hồ trong xác định nguyên tắc cốt lõi của nền giáo dục với các “từ khóa”: Dân tộc/ Dân chủ - Nhân Văn – Hiện đại/Sáng tạo.

GS Hồ Ngọc Đại thì nhắc đến triết lý “hợp tác”: Quan hệ hợp tác giữa nhà trường – xã hội; nhà – gia đình; hợp tác thầy – trò, giữa thầy với thầy; giữa trò với trò... Khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thỏa thuận, không ai áp đặt ai.

Kết thúc tọa đàm, nhóm thực hiện đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại” cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, để tiếp tục nghiên cứu, tìm ra triết lý giáo dục phù hợp với hoàn cảnh và tạo tiền đề để thúc đẩy giáo dục phát triển trong tương lai.

Theo Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ý kiến trái chiều đề xuất cần có điều luật riêng về triết lý giáo dục