Học sinh hứng thú học qua tự khám phá

24/01/2019 13:17

Qua thực tế sử dụng, các trường đều đánh giá phương pháp "Bàn tay nặn bột" hiệu quả, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.


Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) hứng thú với các tiết học áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột"

Trong số nhiều phương pháp dạy học đang áp dụng vào các cấp học thì phương pháp "Bàn tay nặn bột" (BTNB) được sử dụng phổ biến và mang lại hiệu quả giáo dục tích cực vì tạo hứng thú, thúc đẩy phát triển tư duy, tự khám phá kiến thức của học sinh.

Trực quan

Đã nhiều năm nay, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vô cùng háo hức mỗi khi đến tiết học môn tự nhiên và xã hội hay môn khoa học. Bởi rất nhiều tiết học của các môn này, giáo viên sử dụng phương pháp BTNB để giảng dạy. Những tiết học này không diễn ra một chiều mà học sinh là chủ thể thực hiện các hoạt động giáo dục để khám phá kiến thức. Ví dụ trong tiết học tìm hiểu về quả, giáo viên nêu vấn đề: quả có mấy phần, có hạt hay không...? Sau đó, học sinh thảo luận rồi tự mình làm thí nghiệm bổ một số loại quả để quan sát và đưa ra đánh giá, nhận xét... Cô giáo Phan Thị Tuyết dạy lớp 4H, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ: "Trước đây, ở tiết học như thế này, giáo viên thường dùng tranh ảnh cho học sinh quan sát, nhận xét. Giờ các em được làm thực hành, thí nghiệm để tìm ra kết quả. Do đó các em rất hứng thú và chú tâm thực hiện".

Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Cộng Hòa (Kim Thành) cũng áp dụng thành công phương pháp BTNB vào dạy học, mang lại kết quả giáo dục cao. Cô giáo Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cộng Hòa cho biết: "Ở một số môn học, giáo viên nhà trường sử dụng phương pháp BTNB chiếm khoảng 1/3 tổng số tiết học trong năm. Bằng các thí nghiệm với hình thức chia nhóm, học sinh sẽ được tự nêu lên những nhận định của mình về nội dung được học. Từ đó, các em tự đặt câu hỏi, trao đổi với bạn và tìm ra câu trả lời. Người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn". 

Các tiết học sử dụng phương pháp BTNB luôn tạo nên không khí học tập sôi nổi, cuốn hút học sinh. Em Trần Thị Ngân, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Cộng Hòa kể: "Em luôn hào hứng trong các tiết học thầy cô sử dụng phương pháp BTNB. Vì qua thảo luận nhóm, chúng em tự tin, biết diễn đạt những suy nghĩ của mình. Sau mỗi tiết học, chúng em hiểu sâu, nhớ kiến thức lâu hơn. Từ đó, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những sự việc liên quan và trong cuộc sống".  

Hiện nay, 100% số trường tiểu học và rất nhiều trường THCS sử dụng phương pháp BTNB vào dạy học. Qua thực tế sử dụng, các trường đều đánh giá phương pháp này hiệu quả, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Phạm Công Cảnh, giáo viên dạy môn toán Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) khẳng định: "Phương pháp BTNB phù hợp với các môn vật lý, hóa học, sinh học và nhiều tiết của môn toán. Ngoài mang lại không khí mới, hiệu quả cho một số môn học, phương pháp BTNB còn rất phù hợp để học sinh vận dụng vào nghiên cứu, sáng tạo. Nhờ áp dụng phương pháp này, nhiều năm nay, học sinh của trường liên tục đoạt giải về khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh, toàn quốc".

Phương pháp BTNB bắt đầu được áp dụng ở tỉnh ta từ năm học 2012 - 2013. Đây là phương pháp được xây dựng và công nhận ở Pháp, sau đó nhiều nước trên thế giới áp dụng. Hiện nay, các trường học của tỉnh ta áp dụng phương pháp BTNB cho môn tự nhiên và xã hội ở khối lớp 1- 3 và các môn khoa học tự nhiên khối lớp 4- 5 bậc tiểu học và lớp 6-8 bậc THCS.

Giáo viên cần tích cực hơn

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng còn nhiều nhà trường trong tỉnh chưa quan tâm áp dụng phương pháp BTNB do tâm lý ngại thay đổi, ngại học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Hữu Thiên đánh giá: "Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính khoa học, chính xác. Sĩ số học sinh/lớp đông, trình độ không đồng đều dẫn đến việc tổ chức học theo nhóm khó. Học sinh chưa có nhiều điều kiện đi thực tế, trải nghiệm. Giáo viên chưa có kinh nghiệm ứng dụng phương pháp BTNB và gặp không ít khó khăn để tìm thí nghiệm chứng minh cho kiến thức bài học". 

Ngoài ra, đối với cấp tiểu học, THCS, nhiều bài tự nhiên, xã hội nặng về lý thuyết, lượng kiến thức cần cung cấp trong 1 tiết học nhiều. Trong khi đó, ở cấp tiểu học, tiết học chỉ có 35 - 40 phút nên khó tổ chức. Giáo viên tiểu học phải dạy 3-4 môn học trong 1 buổi nên cũng khó cho việc chuẩn bị bài dạy bằng phương pháp BTNB. 

Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, để tiếp tục áp dụng phương pháp BTNB có hiệu quả, giáo viên cần liệt kê, lựa chọn bài dạy, nội dung phù hợp để áp dụng, không thực hiện máy móc, hình thức. Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Cộng Hòa cho rằng: "Giáo viên cần có cách làm khoa học, nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, chuẩn bị trước các thí nghiệm dự kiến để có kết quả như mong muốn. Sử dụng phương pháp BTNB, giáo viên vất vả hơn rất nhiều, nếu không đam mê và chuẩn bị kỹ, tiết học sẽ không hiệu quả". Các nhà trường cần khích lệ, tạo điều kiện cho giáo viên áp dụng phương pháp BTNB. Giáo viên cần tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm, sử dụng công nghệ thông tin cho bài dạy đúng lúc, đúng chỗ, hợp lý. Một số thí nghiệm đơn giản, giáo viên có thể giao việc bằng phiếu để học sinh tự chuẩn bị các vật liệu theo nhóm...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh hứng thú học qua tự khám phá