Giao dịch thời ngân hàng số. Bài 1: Khi tiện ích luôn đi kèm rủi ro

30/07/2019 16:41

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại liên tục ra mắt các dịch vụ ngân hàng số với nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng nhưng đi kèm có nhiều rủi ro.


Cơ quan công an bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có cả đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền của khách hàng

Chưa có thẻ, vẫn có thể giao dịch trực tuyến

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2018, số lượng giao dịch thanh toán thực hiện qua thẻ ngân hàng đạt gần 230 triệu giao dịch, tăng 19% so với năm 2017, với tổng số tiền giao dịch là 592.000 tỷ đồng. Để khuyến khích người dùng, các ngân hàng đồng loạt cho ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ cao tích hợp nhiều tính năng, tiện ích cùng lúc.

Tháng 5.2019, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đánh dấu bước đột phá mới trong hoạt động dịch vụ của các ngân hàng. Đó là việc lần đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ thẻ ảo, cho phép chủ thẻ giao dịch trực tuyến ngay lập tức khi được phê duyệt thẻ. Công nghệ này giúp đáp ứng nhanh nhất nhu cầu dùng thẻ của khách hàng, giảm thời gian chờ để bắt đầu giao dịch chỉ còn 3-5 phút, thay vì từ 3-7 ngày như trước đó.

Không chỉ vậy, trong thời gian gần đây, ngân hàng này liên tục cho ra mắt những sản phẩm thẻ mới, phù hợp với mục đích, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay. Mới đây, VIB cho ra mắt một dòng thẻ mới là VIB Zero Interest – thẻ tín dụng duy nhất cho phép người tiêu dùng sử dụng nguồn vốn ngân hàng với lãi suất 0%  trọn đời, thay vì 45-60 ngày như thường thấy. Bên cạnh đó, ứng dụng MyVIB – cho phép khách hàng có thể chuyển khoản, thanh toán hóa đơn... trực tuyến và 24/7. Nhiều công nghệ như QR code, quản lý thẻ real times... cũng được VIB triển khai áp dụng trên nền tảng ngân hàng số.

Theo bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối Bán lẻ kiêm Giám đốc chiến lược của VIB, những năm gần đây, cùng với xu hướng chung của ngành ngân hàng, VIB có bước phát triển mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán điện tử qua thẻ và tài khoản thanh toán tích hợp ngân hàng số. Trên 75% tổng số giao dịch của ngân hàng hiện đang giao dịch thông qua thương mại điện tử và internet banking. 

Cũng nằm trong danh sách các ngân hàng đứng đầu về phát triển ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dùng.

Đặc biệt, với khách hàng mới, chỉ cần ra ngay LiveBank – ngân hàng số tự động phục vụ 24/7 của TPBank để đăng ký mở tài khoản và nhận thẻ ngay. Đây là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công mô hình LiveBank phục vụ khách hàng như một chi nhánh ngân hàng truyền thống vào mọi thời điểm trong ngày kể cả ngày nghỉ và lễ, Tết. Bên cạnh các dịch vụ thông thường như: gửi tiết kiệm, mở tài khoản, nạp tiền vào tài khoản, chuyển tiền trong nước, quốc tế…, LiveBank còn cho phép rút tiền bằng vân tay, rút tiền bằng QR Code và phát hành thẻ ATM nhận ngay.

Nhờ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng điện tử mà lợi nhuận của TPBank liên tục tăng trong thời gian gần đây. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này tăng rất mạnh, đạt 605 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018. Đây cũng là kết quả của hướng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, đẩy mạnh định vị và cạnh tranh các dịch vụ ngân hàng số mà TPBank xác định ngay khi bắt tay vào tái cơ cấu giai đoạn trước.

Không chỉ riêng hai ngân hàng trên, thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục phát hành, đưa ra thị trường những sản phẩm thẻ, ứng dụng dịch vụ điện tử… Đây là xu hướng của ngành ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ, hướng đến xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...

Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp

Song song với sự phát triển của công nghệ trong ngành ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng cũng gia tăng. Theo thống kê của Công an Tp. Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến 2017, Cơ quan công an đã điều tra xử lý 85 vụ, 288 đối tượng vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 vụ, 53 đối tượng. Cơ quan tố tụng đã truy tố, xét xử 11 vụ, 41 đối tượng. Trong số đó, hành vi phạm tội sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là 12 vụ, đạt tỷ lệ 14,63%. Nhìn lại năm 2013 thì số vụ phạm tội chỉ từ 3 – 4 vụ và liên tục tăng gấp 2-3 lần vào những năm sau đó. 

Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, tập trung chủ yếu vào hành vi tấn công mạng máy tính, cơ sở dữ liệu của hệ thống ngân hàng. Tội phạm sử dụng máy móc có chức năng mã hóa, ghi trộm dãy số thẻ ngân hàng khi khách hàng “cà thẻ”; phát tán virus, phần mềm gián điệp; tấn công vào các trang bán hàng qua mạng hay thư điện tử của khách hàng có thẻ tín dụng; làm giả các giấy tờ có giá, chữ ký, hộ chiếu, séc,…bằng kỹ thuật cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, vào cuối tháng 5/2019, Bộ Công an đã triệt phá một nhóm chuyên hack tài khoản hàng trăm website và công ty thanh toán để chiếm đoạt tiền. Các đối tượng đã sử dụng công cụ rà quét lỗ hổng các website của bốn công ty trung gian thanh toán để thực hiện hành vi tấn công xâm nhập trái phép chiếm đoạt dữ liệu, tạo khống số dư cho những tài khoản là ví điện tử, sau đó sử dụng những tài khoản này để mua thẻ cào. Các đối tượng tiếp tục liên lạc với đại lý mua thẻ cào để bán lại số thẻ cào này, sau đó chuyển tiền về các tài khoản ngân hàng được mua qua kênh trung gian mua bán tài khoản, rồi sau đó rút tiền tiêu xài cá nhân.

Bên cạnh đó, thủ đoạn dùng thiết bị công nghệ cao rồi mã hóa, giả danh số điện thoại của ngân hàng, các cơ quan chức năng gọi điện cho nhiều người báo nợ giả, hù dọa là cơ quan chức năng đang điều tra và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản do chúng cung cấp cũng vẫn thường xuyên xảy ra.

Rất nhiều nạn nhân dính bẫy dù Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá nhiều băng nhóm và cảnh báo trên phương tiện truyền thông. Loại tội phạm này có tính chất quốc tế.

Mới đây, ngày 12/6, Công an Tp. Hồ Chí Minh đã phát hiện 22 người Trung Quốc tổ chức lừa đảo công nghệ cao. Khám xét căn nhà các đối tượng thuê ở Quận 9, công an thu giữ những tang vật gồm: 221 tờ tài liệu, 19 cuốn tập chứa nội dung kịch bản giả danh Công an Trung Quốc để lừa đảo, 2 bản sao chụp (in màu) giả mạo giấy chứng nhận Công an Trung Quốc, 6 máy tính bảng, 46 điện thoại di động, 6 máy tính xách tay, 3 thiết bị giả lập âm thanh môi trường (còi hiệu, tiếng súng, nhạc lễ quân cảnh, tiếng ồn văn phòng, tiếng cười nói...) và nhiều bộ đàm, thiết bị kết nối…

Theo Đại úy Phạm Văn Tuân, Tổ trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2, qua trao đổi với các chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, viễn thông và cán bộ phòng chống loại tội phạm này cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng có thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, lợi dụng triệt để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.

Vấn đề trên đòi hỏi lực lượng phòng chống tội phạm cần phải có trình độ chuyên môn sâu; các trang thiết bị hỗ trợ đủ mạnh với mức độ hoạt động nguy hiểm của bọn tội phạm. Tuy nhiên, điều này trên thực tế còn có hạn chế nhất định. Biện pháp tốt nhất hiện nay là chính bản thân các ngân hàng không chỉ tập trung gia tăng tiện ích sản phẩm mà phải lựa chọn, tìm giải pháp cung cấp có tính bảo mật cao nhất cho người sử dụng dịch vụ.

Theo TTXVN

Bài 2: Ưu tiên nâng cấp công nghệ bảo mật

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao dịch thời ngân hàng số. Bài 1: Khi tiện ích luôn đi kèm rủi ro