Chàng trai “được” Hoàng Trung Thuỷ “đánh bẫy” chính là Đặng Trung Nhân - về sau trở thành một cây bút văn xuôi có tiếng của văn chương Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhà thơ Hoàng Trung Thủy (1945-1998) quê ở Vụ Bản (Nam Định). Anh sống và viết rất nhất quán với quan niệm như trong thơ anh: “Thi sĩ nên anh sống rất tình”. Anh luôn chu đáo, chí tình với gia đình và bạn bè cũng như nhiệt tình trong công việc. Dù khi còn dạy học ở Vụ Bản quê nhà hay những năm tháng anh chuyển vào công tác ở Đồng Nai rồi Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà thơ đều được mọi người yêu mến bởi những phẩm chất ấy.
Năm ấy, Hội Văn nghệ đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu) mới thành lập, số anh em viết lách ở vùng đất mới này còn thưa thớt, lại chưa biết hết về nhau. Nhà thơ Hoàng Trung Thủy làm ở văn phòng hội, rất để tâm đến việc nghe ngóng, thăm dò tìm các tác giả mới của địa phương.
Và nhà thơ đã nghĩ ra một kế để tìm ra những người yêu văn chương bằng cách giăng văn thơ ra trước cửa nhà để… đợi người văn chương. Khi số báo Văn nghệ đầu tiên của hội ra đời, Hoàng Trung Thuỷ lẳng lặng đem về nhà một xấp. Kiếm sợi dây dài, giăng ngang khoảng hè phố trước cửa nhà. Đem xấp báo mới tinh vắt lần lượt lên sợi dây, cố tình để cho cái bìa báo quay ra đường. Rồi sau đó rút vào góc căn phòng phía trong ngồi đợi…
Rồi một buổi chiều có chàng trai trẻ phóng xe đạp qua. Nhìn thấy dây báo, như bị điện giật, chàng quay ngoắt xe lại. Tất cả những cử chỉ đó không lọt qua mắt nhà thơ. Hoàng Trung Thuỷ thong thả đứng lên, lững thững bước ra cửa mời chàng trai vào nhà.
Chàng trai “được” Hoàng Trung Thuỷ “đánh bẫy” chính là Đặng Trung Nhân - về sau trở thành một cây bút văn xuôi có tiếng của văn chương Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, Hoàng Trung Thủy còn “bẫy được” nhiều tác giả khác nữa, giúp cho phong trào sáng tác văn học nghệ thuật của địa phương ngày càng sôi nổi…
TRẦN VĂN LỢI