Việc triển khai giàn khoan “khủng” là một bước khác để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc.
Ngày 26.5, Trung Quốc công bố giàn khoan Hải Dương 981, được đầu tư với kinh phí 935 triệu USD. Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đây là giàn khoan kiểu nửa chìm nửa nổi và là “siêu giàn khoan” đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Với chiều dài hơn 650m, cao 136m, trọng tải 30.000 tấn, tổng chi phí hoạt động cho giàn khoan này có thể lên tới 1 triệu USD/ngày. Có thể hoạt động ở vùng biển sâu 3.000m, nó được cho là sẽ giúp nâng cao năng lực khai thác dầu của Trung Quốc, trước giờ chỉ có giàn khoan hoạt động được ở độ sâu tối đa 500m.
Hải Dương 981 được xây lắp suốt 3 năm bởi Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc. Giàn khoan này dự tính được đưa ra biển Đông trong tháng 7.
Kế hoạch triển khai giàn khoan khổng lồ này ở biển Đông, có thể là tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây rất nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Nó lại được công bố đúng thời điểm Bắc Kinh gia tăng các hành động đơn phương, gây căng thẳng nhằm vào Việt Nam và Philippines.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc |
Kế hoạch tham vọng
Sở dĩ Trung Quốc nôn nóng muốn sử dụng “bảo bối” Hải Dương 981 vì việc khai thác dầu trên biển Đông đã được xác định nằm trong chiến lược đối với khu vực của nước này. Giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa từng khẳng định về kế hoạch “tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác dầu ở biển Đông trong tương lai gần” trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của tập đoàn này năm 2011. Một quan chức khác giấu tên của CNOOC cũng tiết lộ tập đoàn đã đặt mục tiêu đầy tham vọng về sản lượng cho giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Hàn Quốc yêu cầu giải thích vụ tràn dầu ở Bột hải Theo Thời báo Hoàn Cầu, Hàn Quốc vừa yêu cầu Trung Quốc tổ chức hội nghị về môi trường giữa hai nước và đưa ra thông tin cụ thể về vụ rò rỉ dầu ở vịnh Bột Hải cũng như phương án xử lý. Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo gọi vụ này là “nỗi khiếp sợ màu đen” và lên án Trung Quốc che đậy thông tin. Vịnh Bột Hải thông ra Hoàng Hải và nỗi lo dầu loang xuống vùng biển của Hàn Quốc hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, Trung Quốc lấy lý do rằng “hải lưu ở Bột Hải chảy ngược dòng nên không chảy về phía biển Hàn Quốc” để thanh minh cho việc chậm trễ thông tin. |
Theo báo chí Trung Quốc, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (khoảng 54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên ở biển Đông. Trong đó, tập đoàn này dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. Chính vì vậy, giàn khoan Hải Dương 981 được thiết kế với tuổi thọ dự kiến là 30 năm chỉ chuyên phục vụ trong khu vực biển Đông.
Một số chuyên gia đánh giá kế hoạch khai thác dầu đầy tham vọng nói trên nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thâu tóm gần như toàn bộ biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một số quan chức không ngần ngại nói thẳng sự xuất hiện của Hải Dương 981 sẽ “giúp Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn” tại nam biển Đông. Đây là khu vực Bắc Kinh không có chủ quyền nhưng nằm trong bản đồ đường lưỡi bò phi lý của họ.
Như vậy, triển khai giàn khoan “khủng” là một bước khác để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, những hành động và tuyên bố cứng rắn gần đây của Bắc Kinh cũng một phần nhằm mở đường để kéo Hải Dương 981 ra biển khai thác dầu.
Phản đối và ngờ vực
Cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại và nhiều bên đã lên tiếng phản đối ý định triển khai Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ngày 8.7, cộng đồng người Mỹ gốc Philippines biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Washington, San Francisco, New York, Los Angeles và Chicago để phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là về giàn khoan khổng lồ nói trên, theo Đài ABS-CBN.
Ngoài ra, trên không ít diễn đàn ở Trung Quốc, khá nhiều cư dân mạng nước này cũng tỏ ý ngờ vực về kế hoạch của CNOOC và cho rằng đây chỉ là hành động phô trương thanh thế, hù dọa các bên tranh chấp. Trong bài viết vừa đăng trên Sina.com, nhà báo nổi tiếng Tư Mã Bình Bang nhận định những tuyên bố của CNOOC là quá phô trương, không có căn cứ và chỉ càng gây thêm lo ngại về tình hình biển Đông. Theo ông, Trung Quốc không thể ung dung khai thác ở khu vực đang tranh chấp trong khi nếu để xảy ra xung đột lớn vì tài nguyên thì dư luận trong nước sẽ rất phẫn nộ.
Ông Tư Mã viết thêm rằng công nghệ kỹ thuật của CNOOC vẫn còn có khoảng cách rất xa so với yêu cầu khai thác dầu dưới biển Đông nên chưa chắc giàn khoan Hải Dương 981 sẽ làm nên “cơm cháo” gì. Kết luận bài viết, nhà báo này nêu câu hỏi: “Từ giờ tới năm 2020 là 10 năm, chúng ta có cần dùng thất bại của 10 năm để hiểu ra chân lý?”.
Nguyễn Lệ Chi (TN)