Nhung bực bội, tay xếp giấy tờ, công văn còn miệng thì không ngớt lời “kể tội” chồng: Ai chẳng biết bóng đá là môn thể thao vua nhưng xem thì cũng phải có chừng mực thôi chứ.
Thấy Nhung bước vào văn phòng với dáng vẻ uể oải, gương mặt bị chiếc khẩu trang y tế che kín, chỉ hở hai con mắt đỏ mọng, tôi đoán cả đêm qua Nhung không ngủ được nên buông lời bông đùa: “Vợ chồng nhà ấy thức đêm xem bóng đá à? Có đồng minh cùng xem kể cũng vui nhỉ?”. Nhung ngồi phịch xuống ghế tựa, quẳng túi xách sang một bên, kéo khẩu trang xuống cằm để uống nước, uống ừng ực như kiểu nuốt cục tức trong họng: “Tôi đang điên đầu lên đây, bóng với chả bánh. Vợ chồng giận nhau cả tuần nay rồi, không ai nói chuyện với ai. Đêm qua lão còn không về nhà, xem EURO bên hàng xóm rồi bạ đâu ngủ đấy, chả bận tâm gì đến thái độ của vợ. Tức chết đi được”.
Nhung bực bội, tay xếp giấy tờ, công văn còn miệng thì không ngớt lời “kể tội” chồng: Ai chẳng biết bóng đá là môn thể thao vua nhưng xem thì cũng phải có chừng mực thôi chứ. Nhà có hai thằng con trai đang ôn thi cuối cấp, tôi lo sốt xình xịch lên nhưng lão ấy cứ dửng dưng như không. Cũng chỉ vì cái sự mải chơi, nghiện xem bóng đá của bố mà thằng bé trượt lớp 6 trường chất lượng cao rồi. Đời thuở nhà ai, con học online thì bố ngồi bên cạnh bật ti vi, chơi game hoặc bỏ sang hàng xóm uống nước chè, bàn luận về bóng đá. Rồi thằng lớn thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học mà bố nó cũng thờ ơ như không phải việc của mình. Thằng con cũng mê bóng đá lắm. Mấy hôm trước chuẩn bị thi chỉ cần bố bật ti vi có trận hay là nó mon men lại gần hoặc ngồi học ở phòng mà cứ nhấp nha nhấp nhổm. Bố chẳng cấm lại còn rủ con xem cùng. Hai bố con vẫn thức đêm xem, cổ vũ reo hò vang cả nhà. Sáng hôm sau tôi gọi như réo đò mà bố con nó vẫn ngủ li bì. Thế thì còn học hành thi cử gì nữa cơ chứ?...
Nói đến đó, nước mắt Nhung trào ra. Tôi rót thêm cốc nước nữa đưa cho Nhung rồi trấn an: “Thôi! Bình tĩnh nào, mùa bóng đá nhà ai chả thế. Phụ nữ mình nhịn đi một chút cho êm cửa êm nhà”. “Nhịn là nhịn thế nào, bóng không xem lúc này thì xem lúc khác, nhưng kỳ thi quan trọng chỉ có một lần thôi. Nói thế mà lão không giác ngộ, lại còn hậm hực bảo mình là lạc hậu, là không tâm lý, là ghê gớm… Ức phát khóc lên được. Đã thế thì cho chiến tranh lạnh một thể. Bố con tự lo cho nhau, đây không thèm nói nữa…”. Đúng lúc ấy, chị em cùng phòng bước vào, mỗi người động viên, xuê xoa một câu giúp Nhung “hạ hỏa”: “Nghiện bóng còn tốt chán, nghiện cá độ hay cờ bạc, trai gái mới nguy hiểm cơ”; “Mau mau mà làm lành, vợ chồng giận dỗi mệt mỏi lắm”. Nghe mọi người góp ý, Nhung thở dài não ruột, chúi mắt vào máy vi tính để bắt đầu công việc của mình.
Hôm nay, Nhung đến cơ quan với thái độ hồ hởi, vui vẻ khác thường. Tôi đoán “chiến tranh lạnh” giữa hai vợ chồng Nhung đã được giải quyết. “Con trai thi tốt chứ Nhung?”. Mọi người xúm vào hỏi han, quan tâm. Nhung thở phào nhẹ nhõm: “Cháu làm bài tốt, so đáp án khá ổn, chắc sẽ đỗ trường đại học top đầu”. Mọi người khuyên Nhung nên tổ chức cho gia đình liên hoan một bữa, vừa động viên con kịp thời, vừa chủ động làm lành với chồng. Nhung gật gù: “Vâng, tối qua anh nhà em mới bảo cũng nhờ EURO mà bố con gần gũi hơn. Mang tiếng bố với con trai mà chẳng mấy khi thấy hai bố con chuyện trò, tâm sự. Anh ấy bảo hai bố con lúc nghỉ giữa hiệp thường trò chuyện, từ chuyện bóng đá đến chuyện học, rồi tâm tư nguyện vọng của con, chứ không chỉ mỗi xem bóng đá không thôi. Nghe vậy em mừng quá, không ngờ cũng từ xem bóng đá mà bố con lại gần nhau hơn". Các chị em đều đồng tình, còn tán chuyện sắp đến chung kết EURO cả nhà cùng thức đêm cổ vũ cho "máu lửa".
TRẦN THỊ LÀNH