Sau khi xảy ra mâu thuẫn với gia đình, bệnh nhi 13 tuổi ở Hậu Giang đã uống thuốc trừ sâu để tự tử và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 19.7, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (T Hồ Chí Minh), cho biết các bác sĩ vừa cứu nam sinh 13 tuổi, ở Hậu Giang, nguy kịch do uống thuốc trừ sâu.
Theo gia đình, do giận cha không mua cho điện thoại khi vừa kết thúc năm học như đã hứa, bệnh nhi uống thuốc trừ sâu Pertrang 55.5 EC (Cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl). Em cho biết bản thân đã uống khoảng 200 cc thuốc trừ sâu.
Sau khi uống, nam sinh này nôn liên tục, khó thở, rung giật tay, lơ mơ dần. Người nhà sau khi phát hiện đã đưa em vào bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, đặt ống trợ thở và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Vũ cho biết khi nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, mê, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử hai bên co nhỏ khoảng 1 mm. Nghi ngờ bệnh nhi ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm phospho hữu cơ, các bác sĩ lập tức cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch.
Bé trai đang hồi phục sức khỏe sau khi tự tử bằng thuốc trừ sâu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Tiến hành xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu, các bác sĩ ghi nhận men này giảm nặng. Điều này khẳng định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ.
Các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhi bằng atropine và truyền tĩnh mạch pralidoxime. Đây là thuốc tăng cường phục hồi men acetyl cholinesterase. Đến nay, sau gần một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi cải thiện, cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, định lượng menacetyl cholinesterase hồi phục khả quan.
Tại phòng hồi sức, bệnh nhi cho biết bản thân hối hận vì hành động này.
Chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo những lời nói của người lớn với con trẻ trong lúc nóng giận có sức ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt là những thanh thiếu niên đang trong độ tuổi nhạy cảm. Điều này có thể khiến trẻ tổn thương và có suy nghĩ tiêu cực.
Theo Zing