Trong bối cảnh mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn lưu hành và có thể tái dịch, các hộ chăn nuôi cần cân nhắc trước khi tái đàn.
Việc tái đàn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Người dân thận trọng khi tái đàn để phòng trường hợp dịch tái xuất hiện
Cân nhắc khi tái đàn
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2-2019, đến nay đã làm cho tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 7%.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây tỷ lệ tiêu hủy lợn do dịch tả lợn châu Phi đã giảm mạnh so với các tháng trước. Tổng số lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 giảm 20% so với tháng 7 và giảm từ 35-40% so với tháng 5.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn dẫn đến nguy cơ giảm nguồn cung thịt cho thị trường. Những ngày qua, giá thịt lợn tại các tỉnh, thành phố miền Bắc liên tục tăng, do đó nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn, khôi phục sản xuất.
Nhiều địa phương cũng đang cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Trong đó, việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc là đặc biệt quan trọng để cắt đường lây truyền bởi vi rút này ở bên ngoài rất yếu nhưng khi xâm nhập vào cơ thể lợn thì sức tàn phá rất lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi không được chủ quan, nóng vội mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng tiếp quy mô lớn hơn.
Bởi vì, mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng có thể mầm bệnh, nguồn vi rút vẫn còn lưu hành và có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có bộ quy chuẩn hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học. Bộ cũng đã giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đẩy mạnh việc phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tới các địa phương, từng hộ chăn nuôi.
Bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn
Trong những năm gần đây, số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn cũng như tỷ lệ so với tổng đàn lợn cả nước được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đang có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm 18,3% với tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm 6,6% thì sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500, chiếm 24,4%, với tổng đàn xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm 9,3%; năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500, chiếm 25,6%, với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9%.
Cục Chăn nuôi cho biết chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Công văn số 5329/BNN-CN gửi các địa phương về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, về chuồng trại, chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh; có lưới bao xung quanh và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như: chuột, chim, ruồi, muỗi…
Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.
Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng. Kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi. Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giầy, dép vào hố khử trùng.
Về con giống, lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch, trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
Với thức ăn và nước uống, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.
Quy trình chăn nuôi phải phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho lợn.
Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nước uống, độn chuồng và định kỳ phun sương trong chuồng nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường phòng, chống dịch.
Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; tiêu độc khử, trùng thường xuyên các thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi.
Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh.
Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi nuôi đàn mới.
Chất thải được gom để xử lý phải để cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng sinh học phù hợp.
Với quản lý dịch bệnh, có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch.
Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định. Khi xảy ra dịch, cần che bạt, bao vây kín ô chuồng, lợn bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Không rửa ngay ô chuồng có lợn bị bệnh mà tiến hành che bạt, bao vây kín, phun chất sát trùng liên tục 3-4 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc chuồng kế bên...
Theo TTXVN