Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 2: Muốn... nghèo

04/10/2019 12:53

Với phương châm "Cả xã hội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo.

>> Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 1: Chạy theo chỉ tiêu

Ông Đ. ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) tuy sống cùng dãy nhà với con trai nhưng vẫn tách khẩu để hưởng diện hộ nghèo

Song những chính sách ưu đãi này đã làm cho một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Hộ nghèo "ở trong" hộ khá, hộ giàu

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang triển khai hiện nay thì các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, nhà ở, tiền điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng...

Vì muốn được hưởng các chế độ này, không ít gia đình đã tách khẩu giữa bố mẹ già và con cái thành các hộ khác nhau. Việc làm này không vi phạm pháp luật nên hầu hết các địa phương phải giải quyết theo nhu cầu của người dân.

Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm người cao tuổi, mất sức lao động rất khó. Càng ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, hiện tượng này càng diễn ra phổ biến.

Mấy năm nay, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) luôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Theo số liệu rà soát mới nhất vào cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Vạn Phúc là 6,32%. "Trong số hộ nghèo của xã có đến khoảng 60% rơi vào diện người già hết tuổi lao động làm chủ hộ.

Trong số này có không ít người con cái kinh tế khá giả nhưng lại tách khẩu với bố mẹ để hưởng diện hộ nghèo. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm trước nên bây giờ việc tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu gặp rất nhiều khó khăn", ông Vũ Văn Dương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc thừa nhận.

Cụ thể như hộ ông V.V.Đ. (70 tuổi) và bà N.T.L. (68 tuổi) ở thôn 1, xã Vạn Phúc. Ông bà ở cùng dãy nhà với con trai. Hiện vợ chồng người con trai đang làm công nhân ở TP Hải Dương, có mức thu nhập khá ổn định. Ông Đ., bà L. hằng ngày ở nhà chăm 2 cháu nhỏ, đưa đón đến trường.

Người ngoài nhìn vào rất dễ lầm tưởng đây là một gia đình sống theo kiểu "tam đại đồng đường" chứ không ai nghĩ rằng ở đó có 2 hộ hoàn toàn khác nhau về mặt nhân khẩu. Gần đấy còn có nhà vợ chồng ông T., bà L., nhà bà N... đều là người cao tuổi và ở gần con có kinh tế tương đối vững nhưng cũng tách khẩu để hưởng chế độ hộ nghèo, cận nghèo.

Tương tự, theo điều tra vào cuối năm 2018, xã Việt Hưng (Kim Thành) có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 trong tỉnh với mức 6,04%. Rà trong danh sách quản lý hộ nghèo của xã, thấy có đến 2/3 số hộ nghèo do người cao tuổi sinh khoảng từ năm 1955 trở về trước làm chủ hộ.

Trong số này có nhiều hộ thuộc diện bố mẹ tách khẩu với con cái để hưởng chế độ hộ nghèo. Đáng nói là có những gia đình con cái rất khá giả, có nhà ở khang trang, mua sắm phương tiện đi lại đắt tiền nhưng bố mẹ vẫn thuộc diện hộ nghèo ở địa phương.

Ỷ lại

Bởi vì hộ nghèo, cận nghèo được hưởng nhiều chính sách có lợi nên không ít người dân sinh ra tâm lý ỷ lại, trông chờ. Theo báo cáo của tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đến nay, tỷ lệ vốn cho hộ nghèo vay mới đạt hơn 19%, hộ cận nghèo vay hơn 17% so với tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cần thực hiện trong cả giai đoạn.

Tỷ lệ vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng giảm dần qua các năm. Nguyên nhân giải ngân đạt thấp một phần do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm và người nghèo chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Họ e ngại việc đầu tư làm ăn và cũng sợ bị thoát nghèo sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tỷ lệ hộ nghèo theo kết quả rà soát vào cuối năm 2018 của xã Đức Xương là 3,97%, cao nhất huyện Gia Lộc. Trong số 65 hộ nghèo của xã đa phần thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người già cô đơn. Bởi vậy để giảm nghèo, xã nhắm đến những hộ có người trong độ tuổi lao động để lên kế hoạch hỗ trợ, tìm hướng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo một cán bộ địa phương, có những hộ lại thẳng thừng từ chối sự giúp đỡ, mong muốn được ở lại diện hộ nghèo.

Cụ thể nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1971), là mẹ đơn thân, nuôi 2 con, thuộc diện hộ nghèo ở thôn An Vệ. Mấy tháng trước, người con lớn của chị H. đã đi xuất khẩu lao động.

Theo thông tin địa phương nắm được thì con chị H. đã có thu nhập và gửi tiền về cho mẹ. Tuy nhiên, khi địa phương vận động chị H. vay vốn phát triển kinh tế, chị H. đã từ chối. Thậm chí còn nêu ý kiến mong địa phương cho chị được nghèo thêm một thời gian nữa vì chưa trả hết nợ nần.  

NGỌC THANH

Trong giai đoạn 2014-2019, từ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 196.087 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, nguồn vốn đã góp phần giúp 38.755 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 6.518 lao động; 608 hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 19.374 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 211.001 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 310 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Kỳ sau: Thiếu mô hình giảm nghèo hiệu quả

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 2: Muốn... nghèo