Giảm mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia

13/11/2015 09:57

Việc tổ chức lại và lựa chọn 2 chương trình sẽ tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia...




Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ): Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề
quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định


Sáng 12-11, các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.

Từ 16 xuống 2

Với hơn 88% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từ 16 CTMTQG giai đoạn 2011-2015, QH đã rút xuống còn 2 chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đa số đại biểu tán thành với quyết định trên là do mục tiêu của 16 chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Do vậy, việc tổ chức lại và lựa chọn 2 chương trình là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay. Việc lựa chọn này sẽ tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả các CTMTQG. Tuy nhiên, đối với các CTMTQG giai đoạn trước sẽ không loại bỏ hoàn toàn mà tiếp tục rà soát, sắp xếp bố trí với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể của CTMTQG xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Với chương trình giảm nghèo bền vững đặt ra mục tiêu tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm 1-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020...

Tờ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cho biết so với luật năm 2004, dự thảo luật mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Cụ thể điều 1 quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Ban soạn thảo lý giải việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Luật Trưng cầu ý dân phải quy định chặt chẽ

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng điều 6 của dự thảo luật đã được thiết kế theo hướng chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân nhưng xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở các khoản của điều này rất chung chung. Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, QH và đại biểu phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không. Đại biểu Vinh lo ngại điều này có nguy cơ làm cho quy định mang tính hình thức, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc. Đại biểu Vinh kiến nghị thiết kế điều 6 theo hướng thật cụ thể, rành mạch về từng vấn đề, hoặc bổ sung thêm khoản 5 để thi hành điều này với những hướng dẫn cụ thể về các “vấn đề đặc biệt quan trọng".

Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Theo đại biểu Thắm, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của QH; theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định...

Buổi chiều, QH nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật về Hội; thảo luận về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

TTXVN - VGP

ĐẠI BIỂU PHẠM XUÂN THĂNG (HẢI DƯƠNG):
Trưng cầu ý dân vì sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân


Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Trưng cầu ý dân (TCYD), tôi xin góp ý một số vấn đề như sau:

Về cử tri và lập danh sách cử tri được quy định trong dự thảo Luật, tôi thấy có nhiều điểm thống nhất giữa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Đó là, cử tri có quyền TCYD được quy định giống như cử tri có quyền bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Tuy nhiên, có nội dung chưa thống nhất, như quy định về cử tri là sinh viên, học sinh, học viên ở các trường chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào điều 24 chương 4 nội dung: cử tri là sinh viên, học sinh, học viên các trường chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú.

Tại khoản 2, điều 6 quy định "Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia" là vấn đề được QH xem xét, quyết định TCYD. Tôi đề nghị xem xét điều chỉnh lại nội dung này, với cách tiếp cận về lợi ích của quốc gia và dân tộc trước những vấn đề đặc biệt quan trọng, như điều 12 của Hiến pháp năm 2013 quy định. Lợi ích của quốc gia phải gắn liền với lợi ích của dân tộc. Vì vậy, tôi đề nghị sửa lại khoản 2 điều 6 quy định về các vấn đề TCYD, cụ thể: “Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia, dân tộc”.

Cũng tại khoản 3 điều 6 quy định vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh là vấn đề được xem xét để tổ chức TCYD. Tôi đề nghị nên điều chỉnh lại cách diễn đạt trong khoản này, cụ thể là nên xem lại cụm từ "quốc kế dân sinh". Theo tôi, nên thay bằng cụm từ “sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân”. Tôi đề nghị, khoản 3 điều 6 nên diễn đạt lại là “Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân".

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về TCYD được quy định tại điều 34. Đây là một nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện TCYD, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tôi đề nghị, tại khoản 2, điều 34 sửa lại là: “Các cơ quan báo chí có trách nhiệm tuyên truyền về TCYD”, bỏ cụm từ “đưa tin về tình hình tổ chức TCYD theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và UBND các cấp”, vì tại khoản 1 của điều 34 đã quy định cụ thể về việc này.

Về những trường hợp không tổ chức TCYD được quy định tại điều 9, tại khoản 2, ngoài quy định “không tổ chức TCYD trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước”, tôi đề nghị bổ sung thêm: “không tổ chức TCYD trong trường hợp có một phần lớn địa bàn lãnh thổ quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh”. 

Về giám sát việc tổ chức TCYD được quy định tại điều 10. Đây là một nội dung quan trọng nhằm phát huy quyền và trách nhiệm của QH, đại biểu QH, các cơ quan của QH, HĐND, đại biểu HĐND, các cơ quan của HĐND, của MTTQ và các thành viên, đặc biệt là phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định như vậy thì rất khó thực hiện, tôi đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Thường vụ QH về hoạt động giám sát đối với TCYD. Tôi đề nghị tại khoản 1, điều 10 bổ sung thêm cụm từ “theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH” sau cụm từ TCYD.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp được quy định tại điều 20, tôi xin tham gia góp ý về việc tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm phiếu TCYD. Tại điểm e, khoản 1 có quy định "UBND cấp tỉnh nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu TCYD do UBND cấp xã gửi đến; lập báo cáo kết quả TCYD tại địa phương mình gửi Ủy ban Thường vụ QH”. Trong khi đó, tại điểm e, khoản 3 lại quy định: UBND cấp xã “Nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu TCYD do Tổ TCYD gửi đến; lập báo cáo kết quả TCYD tại địa phương mình gửi UBND cấp huyện, cấp tỉnh”. Để có sự thống nhất và thuận lợi trong việc lập báo cáo kết quả TCYD và xác định trách nhiệm của UBND cấp huyện rõ hơn, tôi đề nghị nên điều chỉnh quy định, cụ thể là “UBND cấp xã nhận, kiểm tra báo cáo kết quả kiểm phiếu TCYD do Tổ TCYD gửi đến; lập báo cáo kết quả TCYD tại địa phương mình gửi UBND cấp huyện; UBND cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và gửi UBND cấp tỉnh”.

Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong dự thảo Luật được quy định tại các điều 28, điều 42. Theo tôi, quy định này là chưa đầy đủ, vì khiếu nại, tố cáo có thể xảy ra trong suốt cả quá trình tổ chức TCYD, từ lập và niêm yết danh sách cử tri, bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả TCYD. Tôi đề nghị có thể quy định thành 1 chương riêng về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc 1 điều nhưng quy định đầy đủ các trường hợp có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo và quy định rõ trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có liên quan, từ Tổ TCYD, UBND các cấp, cho tới Ủy ban Thường vụ QH.


Sáng 13-11, QH thảo luận ở tổ về các dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

(0) Bình luận
Giảm mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia