Mặc dù lãi suất cho vaygiảm, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lại không mặn mà do không còn khảnăng hấp thụ.
Các ngân hàng tận tình chăm sóc khách hàng nhằm tăng khả năng cho vay
Chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần giảm lãi suất huy động. Sau đợt giảm gần nhất ngày 11 - 4, lãi suất huy động chỉ còn 12%/năm, giảm 2% so với lần giảm đầu tiên, ngày 13 - 3.
Bà Bùi Thị Bón, Trưởng phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh Hải Dương cho biết: "Giảm lãi suất huy động ngay lập tức tác động đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh. Sau khi trần lãi suất huy động còn 12%/năm, một số TCTD chỉ huy động ở mức từ 11 - 11,5%/năm". Sở dĩ việc giảm lãi suất được các TCTD hưởng ứng là do nguồn vốn khá dồi dào, các ngân hàng chưa thể "đẩy" ra được. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính, việc giảm lãi suất huy động khiến nhiều tổ chức kinh tế (TCKT), cá nhân chuyển kênh đầu tư sang các lĩnh vực khác có khả năng sinh lời cao hơn hoặc tái đầu tư phát triển sản xuất. Đây là điều kiện để dòng tiền không nằm "chết" tại các ngân hàng. Trên thực tế, quy định trần lãi suất chỉ ảnh hưởng đến khách hàng là TCKT hoặc cá nhân có những món tiền lớn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân với mức gửi trung bình từ 30 - 50 triệu đồng, lãi suất giảm 1% sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, tiền gửi dân cư có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tăng lên trong bối cảnh người dân lo ngại lãi suất huy động tiếp tục giảm theo lộ trình của NHNN. Theo số liệu của NHNN chi nhánh Hải Dương, hết quý I - 2012, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt trên 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2011. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 12,9%, nhưng tiền gửi của các tổ TCKT, Kho bạc Nhà nước lại giảm 19,4% so với năm 2011.
Bên cạnh đó, quy định giảm lãi suất huy động của NHNN buộc các TCTD phải giảm dần lãi suất cho vay. Một số ngân hàng lớn trên địa bàn như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)... đều công bố mức giảm từ 1 - 2,5% đối với tất cả các đối tượng và kỳ hạn. Lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng dao động từ 13,5% - 17%/năm. Một số đối tượng ưu tiên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hưởng mức lãi suất rất hấp dẫn, dao động từ 13,5% - 14,5%/năm. Một số ngân hàng nhỏ cũng giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2%. Sở dĩ các TCTD phải giảm dần lãi suất cho vay, bởi sau một thời gian siết chặt quản lý tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, lượng tiền huy động trong các TCTD bắt đầu tăng lên, trong khi nhu cầu vốn để phát triển sản xuất của các doanh nghiệp lại rất lớn. Giảm lãi suất cho vay vừa trợ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn vừa giải ngân nguồn vốn đang rất dồi dào của các ngân hàng. Ngày 4 - 5, NHNN ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó, những lĩnh được hưởng mức lãi suất mới là các khoản vay ngắn hạn phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ... Với quy định về trần lãi suất cho vay, các doanh nghiệp nhiều khả năng được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ.
Nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện đang khá dồi dào
Mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lại không mặn mà do không còn khả năng hấp thụ. Khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng đình trệ, sản xuất cầm chừng thậm chí phá sản. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết quý I-2012, toàn tỉnh chỉ có 66 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 33,7% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó 56 doanh nghiệp đã tuyên bố giải thể, tăng 3,7 lần. Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cao hơn rất nhiều so với con số đã công bố. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cũng khiến tình trạng nợ đọng thuế gia tăng. Năm 2011, số tiền thuế các doanh nghiệp còn nợ đọng đã lên tới 500 tỷ đồng, bằng 8,3% tổng thu toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 2 - 2012, tổng số thuế nợ đọng toàn tỉnh tiếp tục tăng lên đến trên 700 tỷ đồng. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trước đây chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Khi có khủng hoảng, các doanh nghiệp cần vốn để duy trì sản xuất nhưng không được chấp nhận do chưa trả được nợ cũ. Mặt khác, lãi suất giảm nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng của các doanh nghiệp. Hàng hóa ứ đọng, sản xuất cầm chừng, công nhân thiếu việc... là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Chỉ một số ít doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hợp lý, khả năng thu hồi vốn cao mới tiếp tục vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất. Nguyên nhân này khiến lượng vốn ứ đọng trong các ngân hàng cao hơn so với mọi năm và khả năng cho vay rất khó khăn. Riêng các quỹ tín dụng nhân dân còn dư khoảng 500 tỷ chưa thể giải ngân. Trong quý I năm nay, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 28 nghìn 550 tỷ đồng, giảm 0,2% so với cuối năm 2011. Tình trạng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, đòi hỏi các TCTD, doanh nghiệp và chính quyền cần có những biện pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn để vượt qua khó khăn.
VỊ THỦY