Góc nhìn

Giải trình từ gia đình ra xã hội

THANH XUÂN 19/11/2024 05:15

Văn hoá giải trình là sản phẩm của dân chủ, công khai, minh bạch. Nó cần cho người lãnh đạo và các cá nhân.

00:00

duong-trung-quoc.jpeg
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhiều lần đề cập đến trách nhiệm giải trình. Ảnh tư liệu

Con gái tôi thường xuyên hỏi bố câu hỏi vì sao. Tất cả mọi chuyện trong gia đình cháu đều nêu câu hỏi. Từ những chuyện nhỏ nhặt như vì sao không nên ăn đồ chiên rán, vì sao bố biết ông A, bà B đến những chuyện lớn hơn như chi tiêu trong gia đình, sau này học xong sẽ làm gì, vì sao môi trường ô nhiễm…

Tất cả những câu hỏi của cháu tôi đều phải trả lời. Không trả lời đến nơi đến chốn là cháu không vui.

Chuyện giữa hai vợ chồng cũng vậy. Có những việc dễ thông cảm cho nhau, nhưng có những việc thật không dễ. Việc không dễ tất phải giải thích. Đây không phải là truy xét nhau mà để dung hoà các mối quan hệ vốn đã rất phức tạp ngoài xã hội đang xâm lấn vào cả gia đình.

Tôi mới về quê tham gia chuyển mộ cụ ngũ đại. Bác cả giải thích rất cặn kẽ lý do, gọi điện mấy cuộc, họp ngành đến khi hầu hết mọi người đồng tình mới tiến hành. Khi xây mộ cũng có nhiều phương án. Các chi tiết đều liên quan đến câu hỏi vì sao. Vì có ý kiến khác nhau nên phải giải thích được vì sao lại xây như thế. Ý kiến có hợp lý thì mới đạt được đồng thuận, mới tiến hành. Công việc vì thế thuận lợi, mọi người đều vui.

Đôi lúc chúng ta còn phải giải thích với cả hàng xóm. Bởi vì cuộc sống trong một không gian láng giềng không ít việc liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau. Từ chuyện con chó chẳng may sủa đêm gây mất ngủ đến chuyện trẻ con cầm nhầm đồ chơi của nhau… Như thế mới giữ được tình làng nghĩa xóm, mới vui vẻ sáng ra nhìn thấy nhau không căng thẳng và mang cái bực dọc đến cơ quan.

Tôi hiểu đơn giản đó là giải trình và thực hiện trách nhiệm giải trình. Mỗi việc, mỗi quyết định tác động, ảnh hưởng đến người khác cần có lý giải vì sao, tính hợp lý của nó ở đâu…

Làm tốt trách nhiệm giải trình sẽ đi đến quyết định đúng, được đồng thuận và công việc sẽ thuận lợi.

Nhìn rộng ra các cơ quan, tổ chức xã hội, địa phương, trách nhiệm giải trình của những người quản lý, lãnh đạo càng quan trọng. Mỗi quyết định đều phải cân nhắc lý lẽ, nói nôm na là giải thích được với anh em vì sao lại quyết định như thế.

Ở những cơ quan có dân chủ, người thủ trưởng bắt buộc phải giải trình về những quyết định của mình. Đây là một quá trình hai chiều. Người lãnh đạo thực hiện trách nhiệm giải trình và đội ngũ cấp dưới cũng có trách nhiệm đề nghị người lãnh đạo phải cho họ biết vì sao lại quyết định như vậy.

Người thủ trưởng ý thức được trách nhiệm và nghiêm túc thực hiện việc giải trình sẽ tạo ra không khí dân chủ và đồng thuận trong cơ quan. Khi người thủ trưởng giải thích về các lựa chọn quyết định của mình cũng là lúc truyền tải đi thông điệp về dân chủ, tuyên truyền về chính sách… Những việc này đều góp phần để các quyết định được tổ chức thực hiện thuận lợi.

Khi làm tốt việc giải trình còn có tác dụng đào tạo, giáo dục cán bộ về phương pháp tư duy, cách giải quyết các vấn đề phức tạp, từ đó xây dựng tập thể tiến bộ, đoàn kết, phát triển.

Rõ ràng việc giải trình đã góp phần phát triển xã hội, tạo ra của cải vật chất và đời sống tinh thần văn minh hơn.

Văn hoá giải trình cần thiết không chỉ cho những người làm lãnh đạo, quản lý xã hội mà còn cần thiết với mỗi cá nhân. Đây là thứ văn hoá tiến bộ, sản phẩm của dân chủ, công khai, minh bạch. Thời phong kiến không có văn hoá này. Khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập thì cụm từ giải trình được nhắc đến ngày càng nhiều.

Nhưng con đường của văn hoá giải trình còn gian nan. Nhìn ra không gian rộng hơn bên ngoài Hải Dương, thời gian qua vẫn có một số quyết định khiến không ít người băn khoăn. Băn khoăn vì nó không theo những quy định công khai người dân được biết.

Nhưng chắc hẳn những người ra quyết định đã thực hiện trách nhiệm giải trình ở những chỗ cần thiết và còn có những thông tin mà người bình thường chưa biết. Hy vọng là vậy!

THANH XUÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải trình từ gia đình ra xã hội