Giải pháp nâng cao hiệu quả hành chính công

19/07/2016 06:35

Mô hình chính quyền điện tử đang dần hoàn thiện, góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.



Hải Dương đã đầu tư xây dựng hệ thống "một cửa" điện tử tại 12 huyện, thị xã, thành phố giúp đẩy
 nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính


Mô hình chính quyền điện tử được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2009 và giao cho Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) triển khai thực hiện. Đến nay, mô hình đang dần hoàn thiện, góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Nhanh chóng, tiện ích


Sở TTTT đã xây dựng được hệ thống trung tâm dữ liệu của tỉnh đặt tại sở với quy mô 27 máy chủ. Trung tâm dữ liệu này có thể giúp cài đặt các phần mềm ứng dụng chuyên ngành của một số sở, ngành như quản lý đất đai, quản lý khám, chữa bệnh, quản lý hộ tịch, nộp thuế điện tử… Các phần mềm đang từng bước phát huy hiệu quả.

Chi cục Thuế huyện Bình Giang đã cài đặt phần mềm kê khai và nộp thuế qua mạng từ năm 2014. Đến nay, tất cả 228 doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã sử dụng phần mềm này; 95% số doanh nghiệp đã nộp thuế qua mạng thành công. Hài lòng về việc áp dụng phần mềm trên, bà Nguyễn Thị Linh, nhân viên kế toán Công ty TNHH Trung Toàn (Bình Giang) cho biết: “Ngồi ở nhà và tranh thủ bất cứ lúc nào tôi vẫn có thể nộp thuế mà không mất công đến Chi cục Thuế như trước. Tôi thấy rất thuận lợi”.

Ở Sở Tư pháp, phần mềm quản lý hộ tịch cũng đang phát huy vai trò hữu ích trong quản lý hộ tịch công dân. Thông qua phần mềm này, người dân ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh đều có thể làm thủ tục cấp lại bản sao giấy khai sinh mà không phải đến nơi thường trú xin cấp lại như trước. Sắp tới, Sở Tư pháp còn triển khai phần mềm cấp lý lịch trực tuyến. Người dân có thể đăng ký lý lịch qua mạng internet mà không cần phải đến sở.

Triển khai chính quyền điện tử, Hải Dương đã thực hiện được một số dịch vụ công, trong đó có 42 dịch vụ công mức độ 3 (khai báo trên mạng) và 1 dịch vụ công cấp độ 4 (cấp giấy phép qua mạng). Các dịch vụ công này đã được tích hợp lên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Ông Bùi Quang Lý ở khu 9, phường Tân Bình (TP Hải Dương) dự định mở cơ sở kinh doanh karaoke nhưng chưa biết thủ tục cấp giấy phép kinh doanh như thế nào. Tìm kiếm trên chuyên trang dịch vụ công của Cổng thông tin điện tử tỉnh, ông Lý đã được hướng dẫn làm hồ sơ cấp phép, thông báo lệ phí phải nộp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan… “Rất tiện, nhưng nếu được cấp giấy phép trực tuyến luôn thì tốt hơn”, ông Lý đề nghị.



Người dân có thể nộp thuế qua mạng mà không cần đến cơ quan thuế


Để phục vụ người dân tốt hơn, tỉnh ta cũng đã hoàn thiện việc liên thông cơ sở dữ liệu qua phần mềm quản lý văn bản dùng chung cho 18 sở, ngành và UBND 12 huyện, thị xã, thành phố. Đầu năm 2016, cơ sở dữ liệu này đã được liên thông với Văn phòng Chính phủ, giúp việc ban hành, quản lý văn bản giữa các cơ quan nhà nước nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tỉnh ta cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống “một cửa” điện tử tại 12 huyện, thị xã, thành phố. Một số địa phương đã triển khai liên thông xuống các xã, phường như UBND các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, thị xã Chí Linh và TP Hải Dương. Mô hình này giúp người dân, doanh nghiệp không phải mất công “gõ cửa” nhiều nơi mới giải quyết được các thủ tục hành chính.

Từ năm 2012, trang http//congbao.haiduong.gov.vn chính thức đưa vào sử dụng, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng, tiết kiệm hơn. Tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước và người dân có thể khai thác các văn bản qua website này mà không cần phải mất chi phí in ấn, chuyển phát. Tương tự, giấy mời họp, lịch công tác cũng được Văn phòng UBND tỉnh và nhiều sở, ngành đưa lên trang thông tin điện tử. Giấy mời được lưu trữ trên hệ thống nên có thể tìm kiếm dễ dàng và kiểm soát được cả thời gian gửi giấy.

Tiếp tục hoàn thiện

Tiện ích là vậy nhưng so với 2 thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh thì mô hình chính quyền điện tử ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Hải Dương chưa xây dựng được một trang web về chính quyền điện tử mà ở đó kết nối được tất cả các khâu tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TTTT cho rằng xây dựng chính quyền điện tử là một chủ trương lớn của Chính phủ, đòi hỏi tỉnh ta phải đẩy nhanh thực hiện. Nhưng để chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả cần sự phối hợp triển khai của tất cả các sở, ban, ngành. Trước mắt, Sở TTTT sẽ nâng cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ; nâng cấp phần mềm "một cửa" điện tử,  tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị, và công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Sở TTTT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, xây dựng Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Hải Dương tại địa chỉ duy nhất.

HÀ ANH TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nâng cao hiệu quả hành chính công