Trong kỳ điều hành chiều nay 27/6, giá xăng được dự báo tiếp tục tăng 450 - 600 đồng/lít, giá dầu tăng từ 250 - 350 đồng/lít, kg.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Xây lắp dầu khí (Hà Nội), nếu cơ quan điều hành không sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước có thể tăng 450 - 600 đồng/lít, còn giá dầu dự kiến tăng 290 - 350 đồng/lít,kg. Trường hợp quỹ bình ổn được sử dụng thì mức tăng có thể ít hơn.
Nếu dự báo này là chính xác thì giá xăng trong nước sẽ tăng lần thứ ba liên tiếp và giá xăng RON95 có thể vượt 23.000 đồng/ít.
Trong khi đó, theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 27/6, giá xăng dầu bán lẻ đồng loạt tăng 1,35 - 2,7% (tương đương 548 - 606 đồng/lít,kg). Cụ thể, giá xăng E5 RON92 có thể lên mức 22.048 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng lên mức 23.066 đồng/lít, giá dầu diesel lên mức 20.818 đồng/lít, giá dầu hỏa lên 20.626 đồng/lít và giá dầu mazut lên 17.538 đồng/kg.
VPI cũng cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ này.
Như vậy, giá xăng đối diện lần tăng thứ 14 từ đầu năm đến nay, còn giá dầu có thể tăng lần thứ 13.
Hiện giá xăng dầu đang được áp dụng theo mức của kỳ điều hành ngày 20/6. Theo đó, ở kỳ trước, giá xăng E5 RON92 tăng 198 đồng/lít, không cao hơn 21.508 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 231 đồng/lít, không cao hơn 22.466 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng đồng loạt tăng: giá dầu diesel tăng 720 đồng/lít, không cao hơn 20.360 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 497 đồng/lít, không cao hơn 20.356 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 334 đồng/kg, không cao hơn 17.223 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Lúc 6h ngày 27/6, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,25 USD/thùng, tăng 0,24 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 80,9 USD/thùng, tăng 0,07 USD.
Giá dầu tăng trở lại do căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Lebanon liên tục leo thang trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah có thể thu hút các nước khác trong khu vực, bao gồm nhà sản xuất dầu Iran.
Các chuyên gia nhận xét: Phần bù rủi ro địa chính trị đã quay trở lại thị trường khi cuộc xung đột giữa Israel và Lebanon có thể chứng kiến sự tham gia trực tiếp của Iran. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển trên Biển Đỏ cũng hỗ trợ giá dầu.
H.A (tổng hợp)