Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới chững lại sau khi tăng cao. Giá dầu hạ nhiệt do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/11/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay 22/11 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 13/11. Giá xăng dầu theo đó đều được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống 22.270 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ về mức 23.530 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ xuống 20.880 đồng/lít còn giá dầu hoả giảm về mức 21.510 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 13/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.530 | -390 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.270 | -340 |
Dầu diesel | 20.880 | -1.060 |
Dầu hỏa | 21.510 | -790 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/11/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/11 có xu hướng chững lại.
Hôm 21/11, giá xăng dầu quốc tế quay đầu giảm tốc sau khi tăng cao vào 2 phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20 giờ 19' ngày 21/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,77 USD/thùng, giảm 0,55 USD, tương đương 0,67% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,29 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,69% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu hạ nhiệt do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 26/11 để thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Nhiều người đã bắt đầu đặt cược về khả năng cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của OPEC+ sẽ được gia hạn đến năm 2024. Thậm chí, việc cắt giảm có khả năng sâu hơn so với hiện nay.
Bên cạnh đó, giá dầu đi xuống còn do lo ngại nhu cầu suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Trong ngắn hạn, những e ngại về phía nhu cầu vẫn có thể gây áp lực lên giá dầu.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các dấu hiệu nhu cầu bị sụt giảm do khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ vào năm 2024.
Mức tiêu thụ dầu trong mùa đông năm nay có khả năng suy giảm trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng dồi dào ở cả châu Á và châu Âu.
Từ cuối tháng 9 đến nay, giá dầu đã giảm khoảng gần 20% do sản lượng dầu thô tại Mỹ duy trì ở mức cao kỷ lục trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt là từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Thêm vào đó, khảo sát của Reuters cho thấy tồn kho dầu và xăng của Mỹ tăng trong tuần trước. Điều này phản ánh sức nhu cầu yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Giá dầu thế giới đã giảm 4 tuần liên tiếp do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông giảm bớt.
Tuy nhiên, ở phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này, giá dầu đã tăng nhanh do đồn đoán OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung sâu hơn để hỗ trợ giá.
OPEC+ đang xem xét liệu có thực hiện cắt giảm nguồn cung bổ sung tại cuộc họp ngày 26/11 tới hay không.
Theo Vietnamnet