Đại diện các doanh nghiệp trong nước dự báo, kỳ điều hành xăng dầu tuần tới 1.7, giá bán lẻ xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm từ 200 - 500 đồng/lít.
Giá dầu thế giới tuần qua đã lao dốc bất chấp việc cắt giảm sản lượng “khủng” của OPEC+ và lần giảm thứ bảy liên tiếp về số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động của Mỹ.
Theo đó, cả hai mặt hàng là dầu Brent và WTI đều giảm hơn 3% trong cả tuần trước là nguyên nhân được dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 1.7 tới sẽ giảm theo.
Giá xăng trong nước dự báo giảm?
Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam dự báo, nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước vào kỳ điều hành trong tuần tới (1.7) có khả năng giảm khoảng 200 - 500 đồng/lít, dầu diesel cũng có thể giảm từ 100 - 300 đồng/lít.
Hiện giá xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21.6 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 và xăng RON95 giữ nguyên so với hiện hành, lần lượt không cao hơn 20.878 đồng/lít và 22.015 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 146 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, không cao hơn 18.174 đồng/lít; dầu hỏa tăng 133 đồng/lít, không cao hơn 17.956 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 132 đồng/kg, không cao hơn 14.587 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan chức năng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON92 ở mức 191 đồng/lít (kỳ trước 228 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 139 đồng/lít (kỳ trước 180 đồng/lít); dầu diesel ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu mazut ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước 200 đồng/kg).
Đồng thời, không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá dầu thế giới biến động thế nào?
Các nhà giao dịch lo ngại việc tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu mặc dù có dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn bao gồm dự trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn. Điều này khiến giá dầu thô trên thế giới tuần qua đã liên tục “đỏ sàn”.
Giá dầu đã lao dốc bất chấp nhân tố tăng giá là việc cắt giảm sản lượng “khủng” của OPEC+ và sự giảm lần thứ bảy liên tiếp về số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động của Mỹ.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm nhẹ đã củng cố đà giảm của giá dầu tuần này. Cả dầu Brent và WTI đều trải nghiệm một tuần giảm giá.
Theo đó, dầu Brent giảm xuống mức 73,85 USD/thùng, WTI giảm xuống mức 69,16 USD/thùng, tương đương mức giảm hơn 3% cả tuần qua.
Cũng trong tuần qua, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 3,8 triệu thùng xuống còn 463,3 triệu thùng, trái ngược so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ tăng khoảng 480.000 thùng lên 221,4 triệu thùng; cùng với sự tăng trong dự trữ xăng, dự trữ các sản phẩm chưng cất của Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng tăng khoảng 430.000 thùng lên 114,3 triệu thùng.
Với việc các nhà giao dịch đang mua dầu WTI như hiện nay, Oilprice dự báo giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới.
Theo VTC