Hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều tăng khi tỷ giá, xăng, dầu, điện... tăng, khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó...
Công ty TNHH Minh Thái đang tính đến phương án thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công các công trình đã nhận do giá vật liệu xây dựng tăng. Trong ảnh: Công nhân đang phá đầu cọc chuẩn bị đổ móng công trình nhà chung cư thay thế nhà tập thể thuộc sở hữu Nhà nước |
Ông Vương Hồng Hưng, Trưởng phòng Phân tích thị trường, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết, từ giữa tháng 2-2011, giá tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng đáng kể. So với tháng 12-2010, xi-măng Hoàng Thạch tăng 70 nghìn đồng/tấn, lên mức 1,1 triệu đồng/tấn; xi-măng Hải Dương tăng 90 nghìn, lên mức 840 nghìn đồng/tấn; thép các loại tăng 5.000 đồng/kg, lên mức 18.500 đồng/kg; gạch xây có giá 1.200 đồng/viên, tăng 250 đồng; cát vàng 200 nghìn đồng/m3, tăng 60 nghìn... Theo ông Hưng, việc các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá trước hết do nhu cầu xây dựng tăng trong những tháng mùa khô. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là tác động của giá xăng dầu, giá điện và việc điều chỉnh tỷ giá khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh giá để tránh lỗ. Ông Nguyễn Đức Duyến, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hoà Phát cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do giá thép thế giới tăng cao, cộng với sự điều chỉnh tỷ giá thì việc khó mua ngoại tệ khiến chi phí giá thành sản phẩm tăng lên khiến giá thép bị đội lên khá nhiều. Không chỉ chuyện ngoại tệ, giá điện chiếm khoảng 10%, trong cơ cấu giá thành sản xuất thép, nên khi điện tăng giá, giá thép cũng sẽ tăng khoảng 5%. Về giá cát, theo chủ một đại lý vật liệu xây dựng ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) do hiện tại mực nước các tuyến sông xuống thấp, việc vận chuyển cát gặp nhiều khó khăn. Nguồn cát, sỏi chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh miền núi xuống, nên giá cát thời gian gần đây cũng bị đẩy lên rất cao.
Được biết, chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 60% tổng chi phí xây lắp trong các công trình xây dựng. Vì vậy, giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều chủ thầu gặp khó khăn. Cùng với việc tăng thêm chi phí, tiến độ công trình cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các nhà thầu thi công cầm chừng hoặc ngừng thi công để chờ diễn biến tiếp theo của thị trường. Lúc này, các nhà đầu tư mong muốn được Nhà nước hỗ trợ trượt giá, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để có thể tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về mặt giá cả đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng, ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, tạo nên sốt “ảo” để trục lợi. Một điều quan trọng là, ngành xây dựng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng công trình để ngăn chặn tình trạng sử dụng vật liệu kém chất lượng hoặc cắt giảm định mức trong các công trình xây dựng.
VỊ THỦY