Giá vàng nhẫn trơn tại các thương hiệu lớn sáng nay tiếp tục tăng, lần đầu chạm ngưỡng 88 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi giá vàng miếng SJC đứng yên ở vùng 87 - 89 triệu đồng/lượng do Ngân hàng Nhà nước chưa thay đổi giá bán can thiệp, giá vàng nhẫn trơn vẫn đi lên.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay 23/10 niêm yết giá nhẫn trơn ở mức 86,3 - 87,6 triệu đồng/lượng tăng thêm 300.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Biểu giá mua bán nhẫn trơn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI lúc 9 giờ sáng là 87 - 88 triệu đồng, tăng 200.000 đồng.
Giá vàng nhẫn trơn giữ nhịp tăng liên tục trong 10 ngày qua. So với giữa tháng, giá mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 4,5 triệu đồng. Còn so với đầu năm, giá nhẫn trơn tăng gần 25 triệu đồng/lượng, tương đương hiệu suất 39%.
Thời điểm này là mùa cưới cuối năm và nhu cầu mua vàng nhẫn làm quà cưới tăng, song người dân không dễ để mua được mặt hàng này tại các thương hiệu lớn.
Các thương hiệu lớn như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. Khách lẻ chỉ may mắn mua được số lượng ít nếu cửa hàng vừa có khách bán ra. Còn tại SJC, các chi nhánh giới hạn lượng mua tối đa 5 phân đến 1 chỉ mỗi người.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tăng 0,9%, đạt mức 2.746,69 USD/ounce vào lúc 0 giờ 40 sáng 23/10 (giờ Việt Nam).
Trong phiên này, đã có thời điểm giá vàng vọt lên mức kỷ lục 2.748,23 USD/ounce.
Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,8%, đóng cửa ở mức 2.759,8 USD/ounce.
Vàng, vốn được coi là tài sản "trú ẩn an toàn" trước những bất ổn địa chính trị và kinh tế, đã tăng giá hơn 33% trong năm nay, liên tiếp xô đổ các mức cao kỷ lục. Lãi suất thấp cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Ông Peter A. Grant, Phó Chủ tịch và chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals, nhận định những căng thẳng địa chính trị vẫn là động lực chính (đằng sau xu hướng tăng giá của vàng).
Chỉ còn hai tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc đua vẫn đang rất căng thẳng, và điều này tạo ra bất ổn chính trị, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
Theo ông Grant, nếu tình hình Trung Đông leo thang, giá vàng có thể chạm mức 3.000 USD/ounce trước cuối năm nay, song ông vẫn nghiêng về dự đoán mốc giá này sẽ đạt được vào quý I/2025.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao giữa quốc tế và trong nước, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng; tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường.
Với những giải pháp triển khai, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.