Nhiều người mua vàng trong những ngày "sốt giá" đã lỗ nặng. Chỉ sau 1 ngày mua vàng với mức đỉnh 74,3 triệu đồng/lượng (8.3), đến trưa nay 9.3, người mua đã mất tới 5 triệu đồng/lượng.
Sau một tuần tăng dựng đứng từ 67 triệu đồng/lượng (vào ngày 2.3) lên mức 74,3 triệu đồng/lượng (vào sáng 8.3), giá vàng 9999 trong nước đã quay đầu giảm giá mạnh vào trưa hôm qua (8.3), xuống mốc 72 triệu đồng/lượng.
Tới ngày hôm nay 9.3, giá vàng 9999 tiếp tục giảm. Sau khi leo lên mức giá 71 - 72,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) vào đầu giờ sáng, đến trưa nay, giá vàng 9999 của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC lại giảm xuống mốc 69,50-71,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Còn giá vàng 9999 của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji sau khi leo lên mốc 70,50 - 72,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) vào đầu giờ sáng thì đến trưa nay lại lao dốc mạnh xuống mức 69 - 71 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Đến 14 giờ ngày 9.3, vàng 9999 được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC giao dịch như sau:
Bảng giá vàng SJC và DOJI cập nhật lúc 14 giờ ngày 9.3
Như vậy, vào đầu giờ chiều nay (9.3), giá vàng SJC đã giảm 600.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với đầu giờ sáng. Còn giá vàng 9999 của Doji giảm 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng nay.
Hôm qua, giá vàng 9999 liên tục "nhảy múa" khiến nhà đầu tư "đứng tim" khi sáng tăng, đến trưa và chiều lại giảm sâu.
Vào lúc 10 giờ hôm qua (ngày 8.3), vàng 9999 được SJC giao dịch tại Hà Nội ở mức 72,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,32 triệu đồng/lượng (bán ra). Cùng thời điểm, vàng 9999 được Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức 72,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá vàng 9999 giảm mạnh về ngưỡng 69 - 71,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng trong nước quay đầu giảm mạnh
Nếu mua vàng vào buổi trưa hôm qua, hôm nay, người mua vàng 9999 của SJC đã lỗ tới hơn 4,9 triệu đồng/lượng và người mua vàng 9999 của Doji thì lỗ 5,3 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 phiên giao dịch.
Cùng với sự giảm giá, nhà đầu tư cũng phải chịu khoản chênh lệch khủng khi mua vàng. Chênh lệch giữa giá vàng mua vào và bán ra trong những phiên gần đây đã vượt 2 triệu đồng, có lúc lên tới 2,6 triệu đồng. Mức chênh này cao gấp đôi so với những ngày giao dịch bình thường. Do vậy, rủi ro đối với nhà đầu tư lướt sóng ở giai đoạn này là rất cao.
Ngoài ra, người mua cũng chịu chênh lệch giá giữa các thương hiệu. Tại thị trường vàng nước ta, thường chênh lệch này chỉ lên tới 1-2 triệu đồng. Song trong vòng hơn 1 tuần qua, chênh lệch giá giữa các thương hiệu liên tục tăng cao, có thời điểm lên tới gần 17 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện rất cao. Thường chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, nhưng gần đây, mức chênh này lên tới cả chục triệu đồng. Đáng chú ý, trong ngày 7.3, khi giá vàng trong nước lập đỉnh 74,5 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 18 triệu đồng.
Giá vàng trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng cao. Vàng được đánh giá là kênh trú ẩn tốt, kênh đầu tư an toàn nên được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi mua vàng trong thời điểm giá vàng trên đỉnh cao. Đặc biệt, người dân không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn biến động quá lớn. Nhà đầu tư cũng thận trọng khi đầu tư vào vàng miếng bởi loại vàng này có nguồn cung giới hạn sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.
Nếu mua vàng tích trữ hoặc đầu tư trung dài hạn thì nhà đầu tư nên chọn những thời điểm vàng giảm giá, tránh những phiên sốt nóng để hạn chế rủi ro.
Theo Vietnamnet