Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD hôm nay tăng 12 đồng so với cuối tuần trước, kéo theo giá bán tại các ngân hàng lớn đã chính thức vượt mốc 23.800 đồng/USD.
Áp lực điều hành tỷ giá USD/VNĐ của NHNN từ nay đến cuối năm còn rất lớn. Ảnh: Chí Hùng.
Trong bối cảnh chỉ số USD-Index thị trường quốc tế vẫn duy trì ở vùng cao trên 109,5 điểm, tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh so với hầu hết loại tiền tệ khác trên thế giới vẫn liên tục đi lên trong những phiên gần đây.
Tại thị trường trong nước, đồng Việt Nam đã duy trì được đà mất giá so với USD dưới 3% trong 7 tháng đầu năm nay, tuy nhiên chỉ trong gần hai tháng gần đây, tiền đồng đã liên tục mất giá mạnh so với USD.
Giá USD tăng trên mọi “mặt trận”
Trong phiên giao dịch đầu tuần 19.9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.295 đồng/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Đây đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của tỷ giá trung tâm, so với một tuần trước, mức tăng đã lên tới 51 đồng.
Với biên độ dao động +/- 3% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần/sàn các ngân hàng thương mại được giao dịch phiên hôm nay là 22.596 - 23.994 đồng/USD.
Với việc tỷ giá trung tâm tiếp tục xu hướng tăng, tỷ giá quy đổi USD sang đồng Việt Nam bên ngoài thị trường cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Trong đó, tiếp nối đà tăng từ tuần trước, đến đầu tuần này, giá bán USD tại hầu hết ngân hàng thương mại lớn đã vượt mốc 23.800 đồng.
Cụ thể, Vietcombank hiện niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.530 - 23.810 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 15 đồng so với cuối tuần trước và cao hơn 140 đồng so với một tuần trước.
Tính từ đầu năm, giá bán USD tại Vietcombank đã tăng 890 đồng, tương đương gần 3,9%. Trong đó, tính từ tháng 8, mức tăng đã là 320 đồng, tương đương gần 1,4%.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá mua - bán USD tại BIDV khi nhà băng này đưa ra mức giá 23.530 - 23.810 đồng/USD sáng nay, tăng lần lượt 45 đồng so với cuối tuần trước và 140 đồng so với đầu tuần trước.
VietinBank hiện chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở mức 23.532 đồng/USD và bán ra ở mức 23.812 đồng/USD; Agribank niêm yết ở mức 23.520 đồng/USD (mua) và 23.800 đồng/USD (bán), đều tăng hơn 100 đồng so với tuần trước.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank sáng nay cũng niêm yết giá bán USD vượt mốc 23.800 đồng. Trong đó, giá mua vào tại đây hiện phổ biến ở 23.537 đồng/USD, cao hơn 52 đồng so với cuối tuần trước. Giá bán ra cũng tăng tương ứng, hiện cố định ở 23.817 đồng/USD.
Trong khi đó, HDBank, Eximbank, Sacombank hiện vẫn chấp nhận bán ra USD ở mức 23.790 đồng/USD, cao hơn 40-50 đồng so với cuối tuần trước. Ở chiều mua vào, mức giá các nhà băng này đưa ra dao động trong khoảng 23.550-23.560 đồng/USD.
Đi cùng đà tăng kể trên, tỷ giá USD/VNĐ “chợ đen” phiên hôm nay cũng nhảy vọt sau diễn biến trầm lắng tuần trước.
Giá bán USD trên thị trường này hiện được các đầu mối quy đổi đưa ra ở mức 24.160 đồng/USD, tăng 130 đồng so với cuối tuần trước. Tương tự, giá mua vào cũng tăng 80 đồng, hiện ở mức 24.060 đồng/USD.
Áp lực tỷ giá cuối năm
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 ngày 18.9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết kiểm soát tỷ giá USD/VNĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý tiền tệ từ nay đến cuối năm.
Trong đó, áp lực tỷ giá hối đoái cũng là một trong những lý do khiến NHNN không có chủ trương nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng năm nay.
TS Võ Trí Thành cho biết các chính sách NHNN đưa ra thời gian gần đây chủ yếu là để kiểm soát tỷ giá USD/VNĐ.
Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất tăng trên toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì quan điểm tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ từ nay đến cuối năm là rất lớn.
Ông cho rằng không kiểm soát được chỉ số này sẽ dẫn tới câu chuyện dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Việt Nam, khi đó ảnh hưởng kinh tế vĩ mô cũng rất lớn.
Ghi nhận trong báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia tại đây cho rằng bất chấp Đồng Việt Nam đã có một số thông tin tích cực liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư 2,4 tỷ USD), nhưng diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực.
Thực tế cũng cho thấy, trong nửa đầu tháng 9, NHNN đã phải tăng giá bán USD để ổn định thị trường.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết những áp lực điều hành tỷ giá hồi đầu năm đã khiến bộ đệm Dự trữ ngoại hối của Việt Nam suy giảm, trong khi triển vọng cán cân thanh toán cũng không còn tích cực như trước.
“Chúng tôi cho rằng sức bền của các yếu tố đệm này sẽ bị thử thách trong những tháng cuối năm, kỳ tăng lãi suất của FED trong cuộc họp tháng 9.2022 sẽ là phép thử quan trọng”, VDSC nhận định.
Các chuyên gia tại đây dự báo trong kịch bản cơ sở, đà mất giá của tiền Đồng sẽ chững lại từ cuối năm 2022, nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023.
Theo Zing