Ông Đỗ Ánh ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đang có khoảng 13.000 cuốn sách, tương đương 5,3% lượng sách của Thư viện tỉnh.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Ánh vẫn duy trì thói quen đọc sách
Ông Đỗ Ánh ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) là một người ham đọc, sử dụng hiệu quả tri thức từ sách cho công việc, cuộc sống. Ước tính ông Ánh đang có khoảng 13.000 cuốn sách.
Bằng 5,3% lượng sách Thư viện tỉnh
Ông dùng cả 2 căn phòng và hành lang tầng 3 để chứa sách. Sách đặt cẩn thận trong các giá kê xung quanh các bức tường. Khách bước vào phòng như tới một nhà sách nhỏ. Chúng tôi nhẩm tính, với khoảng 13.000 cuốn, lượng sách ở nhà ông Ánh bằng 5,3% số lượng sách của Thư viện tỉnh hiện nay (hơn 244.000 cuốn). Sách thuộc nhiều thể loại, song số lượng lớn nhất là sách văn học, văn hóa, lịch sử, từ điển, triết học, tâm linh. Dẫn chúng tôi đến trước 2 giá sách ở hành lang, ông hồ hởi giới thiệu: “Tôi có 101 cuốn sách thuộc bộ sách Văn học Việt Nam thế kỷ XX do Nhà xuất bản Văn học phát hành, gần đủ bộ”.
Ngoài sách xuất bản gần đây, ông Ánh còn nhiều sách cũ có giá trị. Cuốn sách cũ nhất mà ông Ánh còn giữ được có tên “Sư phạm học khoa” xuất bản năm 1928 viết bằng song ngữ Việt - Pháp. Đặc biệt, ông sưu tầm được khoảng 50 cuốn sách nghiên cứu về Truyện Kiều, 1 tập “Trường ca” (Nhà xuất bản Thời đại in năm 1945) của nhà thơ Xuân Diệu có chữ ký của nhà thơ.
Ông Ánh sinh năm 1941 ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Cụ thân sinh ra ông cũng mê đọc sách, truyền sở thích đọc sách, làm thơ cho ông từ nhỏ. Hầu hết thời gian công tác của ông Ánh trong ngành giáo dục, từ một giáo viên, rồi đến cán bộ Phòng Giáo dục huyện Kim Môn, là cán bộ tăng cường cho ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang, đến giữ chức lãnh đạo của Công ty Sách và Thiết bị trường học Hải Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ sở vật chất - thiết bị trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Năm 2000 ông nghỉ hưu, song được Hội Khuyến học Việt Nam mời làm cán bộ một trung tâm sách từ năm 2000-2012.
Do đặc thù công tác trong ngành giáo dục, xuất bản nên ông Ánh có cơ hội sưu tầm nhiều sách và cần hiểu biết rộng. Nhiều sách ông được tặng, song số sách ông tự bỏ tiền mua, sưu tầm cũng rất lớn. “Có năm đến gần Tết cổ truyền, vợ đưa tôi 2 triệu để mua đào, quất nhưng đi đến ven đường Láng (Hà Nội), thấy bộ “Từ điển Bách khoa Việt Nam” hiếm có, tôi bỏ tiền mua luôn”, ông Ánh kể.
Số sách hiện nay ông Ánh chắt chiu sưu tầm, lưu giữ từ năm 1980. Những cuốn sách cũ bị nhăn, rách, ông tỉ mẩn ghép lại, là đi, bọc nilon cẩn thận. Trước đó, ông đã 4 lần lập tủ sách gia đình với tổng số sách lên đến hàng nghìn cuốn song đều không giữ được do mưa bão, lũ lụt, mối mọt...
Chưa tìm thấy truyền nhân
Thích sưu tầm sách bởi ông mê đọc và yêu cầu nghề nghiệp phải tự trau dồi kiến thức. Một thói quen lâu năm ông duy trì từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước là sau khi đọc xong sách sẽ ghi chú các ý tưởng, nội dung đáng quan tâm vào sổ và đánh số thứ tự. Hiện nay, các ghi chú của ông đã ghi hết khoảng 40 cuốn sổ và số thứ tự lên tới 37.100. Những ghi chú ấy được ông dùng để phục vụ công việc. Từ ngày nghỉ hẳn công tác vào năm 2012 đến nay, ngoại trừ những lúc bận, thời gian rảnh ông lại cặm cụi đọc sách.
Có lượng sách lớn, cùng với đam mê đọc nên ông Ánh đã tự trang bị cho mình nhiều tri thức, kỹ năng bổ ích. Từng làm xuất bản, phải biên tập, duyệt các bản thảo nên ông Ánh đầu tư cho mình hàng chục cuốn sách về từ điển các loại. Ngoại trừ các sách để tra cứu, với những cuốn sách tâm đắc tự bỏ tiền mua thì hầu hết ông đã đọc hết. Ông đã tập hợp các tư liệu để xuất bản cuốn sách “Từ điển Danh nhân thế giới” (viết chung với tác giả Nguyễn Văn Khang), xuất bản năm 2003. Những năm gần đây, thỉnh thoảng ông được mời đi dự các cuộc nói chuyện về văn học, lịch sử. Nội dung ông nói mới lạ, hấp dẫn vì ông khai thác được nhiều tư liệu quý từ sách.
Sau khi chuyển về TP Hải Dương sinh sống từ năm 2018, nhiều người tới nhà ông để xem sách và nhờ ông tra cứu thông tin mà họ quan tâm. Gần đây, ông đã giải đáp thắc mắc cho nhà thơ Trần Nhuận Minh về một ông tổ của dòng họ Trần khi đi sứ sang Trung Quốc, hay cung cấp thông tin về số lượng quan lại ở các bộ thời hậu Lê… Trước đây, một giáo viên ở miền Nam tìm một cuốn sách sử học quý hiếm, nhà sách ra giá 4 triệu đồng mới bán nhưng không đủ tiền mua. Có người giới thiệu, anh này tìm đến ông Ánh và sau khi biết gia cảnh người này nghèo nên ông Ánh tự nguyện tặng. Là người nhiều lần đến thăm phòng sách của ông Ánh, ông Đào Hữu Thảnh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) nhận xét: "Ông Ánh rất giỏi, hiểu biết nhiều. Mỗi lần đến nói chuyện với ông Ánh, tôi đều học được những điều mới".
Trong câu chuyện của mình, ông Ánh trăn trở bởi cho rằng văn hóa đọc đang bị xuống cấp. “Tôi muốn truyền lại tủ sách này cho ai đó xứng đáng nhưng đến nay chưa tìm được”, ông ngậm ngùi.
NINH TUÂN