Hiện giá các sản phẩm chăn nuôi như lợn hơi, gia cầm trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng, khả năng tái đàn với các hộ chăn nuôi nhỏ vô cùng khó.
Hiện trên thị trường miền Bắc, giá lợn hơi thu mua trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg. Tại miền Trung - Tây Nguyên, lợn hơi giá khoảng từ 54.000 - 55.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam phổ biến trong khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Với mức hiện nay, giá lợn hơi giảm từ 12 - 14% so với bình quân tháng trước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, khu vực Hà Nội và Hưng Yên đang thu mua giá lợn hơi tốt nhất với mức lần lượt 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá gà lông màu ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg, giảm 19% so với tháng trước. Gà trắng tại miền Bắc là 21.000 đồng/kg, các vùng còn lại trong khoảng từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, từ tháng 7/2021 đến nay, giá lợn thịt giảm mạnh, còn bình quân từ 51.000 - 54.000 đồng/kg, trong khi đó đầu năm nay là trên 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục từ 10/2019.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, giá thành sản xuất 1 con lợn thịt trọng lượng 110 kg hiện nay khoảng 6.290.000 đồng, tương đương với 57.180 đồng/kg. Đối với các doanh nghiệp, trang trại chủ động được con giống; giá thành khoảng 46.000 - 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá thành sản xuất so với giá bán hiện nay là hòa vốn (đối với chăn nuôi quy mô nhỏ) và lãi khoảng 500.000-1.000.000 đồng/con đối với các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn tự sản xuất được con giống.
Với giá thức ăn tăng liên tục vừa qua, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, mỗi con lợn thành phẩm cõng thêm chi phí thức ăn từ 700.000 - 1.000.000 đồng so với tháng 11 năm ngoái.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp, kéo dài càng gây bất ổn trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Dịch đã làm tăng và phát sinh nhiều khoản chi phí liên quan tới hoạt động phòng và chữa bệnh, ổn định cuộc sống và xã hội. Hầu hết các khoản chi phí trong sản xuất và kinh doanh đều tăng, làm gia tăng giá thành sản xuất, gây bất lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Do giá bán sản phẩm đều giảm sâu, tiêu thụ khó khăn, sản xuất thua lỗ nên khá nhiều trang trại chăn nuôi giảm quy mô, nhiều nông hộ phải bỏ trống chuồng... Ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng, người nuôi phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tái đàn và tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học theo chu kỳ sản xuất.
Nhà nước cần có chính sách lãi suất tiền vay, đất đai. Chính sách cần có sớm nếu không nông dân sẽ khó tái đàn, tăng đàn. Từ đó tạo ra khoảng trống trong chu kỳ sản xuất, nguồn cung sản phẩm.
Ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng, trong điều kiện đại dịch COVID-19 phức tạp và còn kéo dài, cần có các cơ chế, chính sách để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động phân phối, lưu thông cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của ngành chăn nuôi. Các bộ, ngành cần nghiên cứu, xem xét quy định về việc thu mua, giết mổ và chế biến dự trữ thịt gà, thịt lợn khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Bên cạnh đó, các nông hộ phải nâng cao trình độ chăn nuôi, không thể duy trì chăn nuôi tận dụng, phải chăn nuôi an toàn sinh học. Nông hộ phải tham gia vào các chuỗi của hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát huy vai trò dẫn dắt chuỗi của các doanh nghiệp lớn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngoài khâu sản xuất còn có các khâu: thu gom, giết mổ - chế biến, phân phối. Hiện nay, phần lớn các khâu này dễ bị đứt gãy, trừ những doanh nghiệp lớn. Do đó các địa phương cần rà soát sớm để cho các khâu được tiếp cận các điều kiện phòng chống dịch tốt nhất như tiêm vaccine cho lao động.
Về khả năng tái đàn, ông Nguyễn Kim Đoán đánh giá, với các hộ chăn nuôi gia cầm như: gà trắng vịt thời gian qua bị thua lỗ rất nặng nên khả năng tái đàn rất khó. Với doanh nghiệp với chu trình khép kín, có vốn thì họ vẫn đầu tư để đón “sóng” tăng giá mới do nguồn cung sắp tới có khả năng thấp.
Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển thì nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên bà con cần có sự chuyển đổi phù hợp sang các loại vật nuôi khác. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các nông hộ chuyển đổi sang chăn nuôi những con được ngành nông nghiệp khuyến cáo như gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê...
Theo TTXVN