Giá sách giáo khoa mới tăng cao: Áp lực cho phụ huynh nghèo

22/07/2021 06:58

Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ bắt đầu học sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các bộ sách này được đánh giá đẹp hơn sách cũ nhưng không ít phụ huynh giật mình vì giá cao.

Theo một số cán bộ, giáo viên, xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa là chủ trương đúng nhưng để nhà xuất bản tự quyết định như hiện nay thì không ổn


Sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được đánh giá đẹp hơn sách cũ nhưng không ít phụ huynh giật mình vì giá cao.

Vay mượn để mua sách

Con trai chị Nguyễn Thị Bình ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) chuẩn bị lên lớp 2. Biết sắp tới con sẽ được học SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên chị Bình thường xuyên tìm hiểu thông tin. “Chắc ít ngày nữa sách sẽ được phát đến tay học sinh để chuẩn bị năm học mới nhưng tôi đọc trên mạng thấy giá sách cao. Mỗi bộ nếu tính cả sách tiếng Anh cũng phải ngót nghét 300.000 đồng. Với nhà có điều kiện thì không sao chứ như nhà tôi hoàn cảnh khó khăn thì quá sức”, chị Bình cho biết.

Nhà anh Nguyễn Văn Tuyến ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) có 3 con đang trong độ tuổi ăn học, trong đó một cháu sắp tới lên lớp 2, một cháu lên lớp 6, đều sẽ học SGK mới. Anh Tuyến chia sẻ: “Giá SGK mới tăng gấp mấy lần bình thường. Kinh tế nhà tôi eo hẹp, khả năng phải đi vay mượn để mua sách và đóng góp các khoản đầu năm học cho ba đứa”.

Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ bắt đầu học SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Căn cứ vào danh mục SGK mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 5.4.2021, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục SGK các lớp 1, 2 và 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Hải Dương năm học 2021-2022. Cụ thể, các cơ sở giáo dục tại tỉnh ta sẽ được sử dụng 16 SGK lớp 2 với đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, sách tự chọn môn tiếng Anh; 27 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Các nhà xuất bản đã công bố giá SGK mới từ đầu tháng 4 năm nay. Theo đó, giá mỗi bộ SGK lớp 2 và lớp 6 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” lần lượt là 186.000 đồng và 245.000 đồng; bộ “Cánh Diều” 203.000 đồng và 259.000 đồng. Nếu tính cả SGK tiếng Anh thì mỗi bộ SGK lớp 2, lớp 6 mới sẽ đội giá lên khoảng 300.000 đồng.

Giá SGK mới tăng sẽ khiến cha mẹ học sinh phải cõng thêm một khoản chi phí vào đầu năm học mới sắp tới. Điều này sẽ tạo áp lực cho họ, nhất là những gia đình kinh tế còn khó khăn. Bởi vào đầu năm học mới, không chỉ tiền SGK mà phụ huynh còn phải đóng nhiều thứ khác cho con là đồng phục, học phí, bảo hiểm, nước uống, ăn bán trú… Còn nhiều khoản nữa chưa tính hết nhưng phụ huynh cũng phải chuẩn bị tiền triệu để đóng cho con.

Giá mỗi bộ sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với sách giáo khoa cũ


Nhà nước cần định giá

Các nhà xuất bản giải thích việc phải tăng giá SGK mới là do đầu sách nhiều hơn, khổ in lớn hơn, chất lượng giấy tốt hơn, màu sắc nhiều hơn… sách cũ. Việc Nhà nước không còn bao cấp chi phí phục vụ công tác biên soạn, in ấn khiến các đơn vị cũng phải chi trả cả những khoản này.

SGK mới nhìn bắt mắt, chất lượng tốt hơn hẳn sách cũ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này không thực sự cần thiết. “Tôi cho rằng cái chính là chất lượng nội dung kiến thức thế nào còn những cái khác không quá quan trọng. Cứ in sách như bình thường với mức giá phải chăng để phụ huynh đỡ áp lực”, một phụ huynh ở TP Hải Dương thẳng thắn nêu quan điểm.

Chương trình SGK mới được biên soạn theo hướng hiện đại, tinh gọn. Các môn vật lý, hóa học, sinh học được tích hợp trong một cuốn sách. Hai môn lịch sử và địa lý cũng được tích hợp tương tự. Do đó, ngay cả một số nhà quản lý giáo dục và giáo viên cũng thắc mắc tại sao chương trình đã tích hợp mà giá SGK vẫn tăng.

Một nhà quản lý giáo dục ở huyện Gia Lộc cho biết hiện chi phí phát hành SGK chiếm hơn 20% giá SGK. Giá SGK do nhà xuất bản tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá. Khi xã hội hóa in và phát hành SGK thì sẽ có sự cạnh tranh và nảy sinh những vấn đề trên. Tuy nhiên, SGK là mặt hàng đặc biệt, cần có sự quan tâm của Nhà nước. Xã hội hóa SGK là chủ trương đúng nhưng chỉ nên áp dụng ở một số khâu nào đó, để nhà xuất bản tự quyết định như hiện nay thì không ổn. SGK cần được đưa vào danh mục nhà nước định giá, cân đối cả yếu tố xã hội hóa để vừa tạo động lực cho doanh nghiệp, vừa giữ được sự hài hòa đối với người sử dụng.


BÌNH MINH

(0) Bình luận
Giá sách giáo khoa mới tăng cao: Áp lực cho phụ huynh nghèo