Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Đây là cơ hội cho những trang trại chăn nuôi an toàn.
Các cơ sở bảo đảm tốt điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì nên tái đàn để bảo đảm nguồn cung thực phẩm
Lãi khá
Trang trại của anh Bùi Đắc Đến ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành) là một trong số ít trang trại còn giữ được tổng đàn lợn thịt với quy mô 400 con. Hơn 1 tuần nay, anh Đến rất phấn khởi khi biết giá lợn tăng từng ngày. Đây thực sự là tin vui với gia đình anh và nhiều hộ nuôi lợn khác. Thương lái đang chào mua lợn với giá 47.000 - 48.000 đồng/kg.
Trước đây, khi chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), giá lợn chỉ từ 37.000 - 39.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã có lãi. Nhưng khi phát sinh dịch bệnh, các chi phí chăn nuôi tăng lên. Theo anh Đến, với những trang trại tự túc được con giống, giá lợn 34.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí thuốc sát trùng và các chi phí phát sinh khác rơi vào khoảng từ 36.000 - 37.000 đồng/kg. Còn nếu phải nhập con giống hoàn toàn như trang trại của anh thì giá thành khoảng 39.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, anh lãi gần 1 triệu đồng/con (lợn khoảng 1 tạ).
Ông Nguyễn Văn Lượng ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) chuyên thu mua lợn ở Hải Dương cho biết: "Giá lợn tăng cao do nguồn cung thiếu hụt. Lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP rất lớn nên số lợn còn lại trong dân không nhiều. Chúng tôi thu mua chủ yếu tại các doanh nghiệp hoặc các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngoài phục vụ thị trường trong nước, lợn còn được các thương lái bán sang Trung Quốc".
Theo ông Lượng, giá bán lợn hiện nay là hợp lý. Bởi người chăn nuôi đã bỏ nhiều công sức để chống chọi với bệnh DTLCP, các chi phí phòng dịch cũng tăng lên nhiều so với trước kia nên chi phí sản xuất cao hơn. Hiện giá lợn tại một số tỉnh giáp với biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn... đã vượt 50.000 đồng/kg do nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Thời gian tới, nhiều khả năng giá lợn vẫn tiếp tục tăng.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Bệnh DTLCP đã càn quét khắp nơi khiến chủ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rơi vào cảnh lao đao. Thời điểm này là cơ hội tốt cho các trang trại an toàn sinh học tái đàn. Tuy vậy, khi tái đàn các trang trại cũng cần thận trọng, nhất là bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đồng Nại, xã Liên Hồng (Gia Lộc) là một trong 2 trang trại duy nhất trong xã còn giữ được an toàn. Hiện trang trại của ông còn hơn 1.000 con lợn thịt và 140 con lợn nái. Để giữ đàn lợn an toàn trong "bão" bệnh DTLCP, ông thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu diệt chuột, bọ... Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi đều phải phun xịt tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa. Các bao cám trước khi cho lợn ăn phải được đưa vào kho xông bằng tia cực tím và formol. Không chỉ người và phương tiện mới phải khử trùng, mà ngay cả những vật dụng cá nhân mang vào trang trại cũng được khử trùng bằng tia cực tím.
Dù giá lợn đang tăng cao nhưng ông Dũng không dám mở rộng chăn nuôi do còn nhiều lo ngại. "Nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, cộng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm giá thịt lợn tăng nhanh, người chăn nuôi có lãi. Nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu thịt lợn. Vì vậy nhu cầu thực sự rất khó nắm bắt", ông Dũng nói.
Với anh Đến, giá nhập con giống cao cũng là thách thức lớn đối với những trang trại chưa tự chủ được nguồn giống. Hiện giá nhập con giống có trọng lượng 10-12 kg từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con. Giá con giống cao, cộng thêm chi phí thuốc men, thuốc phòng dịch... nên chỉ có những trang trại có tiềm lực kinh tế mạnh mới dám đầu tư nuôi nhiều. "Trang trại của gia đình tôi chưa xảy ra bệnh DTLCP nhưng xã Lai Vu vẫn đang có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch. Mầm bệnh vẫn tồn lưu trong môi trường nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn rất cao. Vì thế, dù giá lợn tăng cao tôi cũng chưa dám nuôi hết công suất chuồng trại", anh Đến nói.
Theo đại diện Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao. Để tránh khủng hoảng thịt lợn do nguồn cung thiếu hụt, các doanh nghiệp, trang trại bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì nên tái đàn. Ngoài tái đàn theo quy định, các ngành chức năng và cơ sở chăn nuôi cần phối hợp bàn giải pháp cụ thể để tiêu thụ thịt lợn.
TRẦN HIỀN